Hotline: 0941068156
Thứ ba, 22/07/2025 21:07
Thứ ba, 22/07/2025 13:07
TMO - Tỉnh Đồng Nai tiếp tục áp dụng hai bảng giá đất hiện hữu từng được sử dụng tại các địa phương trước khi tiến hành sáp nhập hành chính đến hết năm 2025.
UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Môi trường về việc tiếp tục áp dụng bảng giá đất đã được ban hành ở từng địa phương trước khi sáp nhập. Cụ thể: Áp dụng bảng giá đất của tỉnh Đồng Nai (cũ) đã được ban hành theo các quyết định số 56-2022/QĐ-UBND (ngày 19-12-2022), quyết định số 24/2023/QĐ-UBND (ngày 23-5-2023) và quyết định số 24/QĐ-UBND (ngày 27-12-2024).
Áp dụng bảng giá đất của tỉnh Bình Phước (cũ) đã được ban hành theo quyết định số 18/2020/QĐ-UBND (ngày 12-8-2020) và quyết định số 52/2024/QĐ-UBND (ngày 27-12-2024). Thời điểm áp dụng giá đất nêu trên kể từ 1-7-2025 đến hết 31-12-2025. Trong đó, giá các loại đất tại địa bàn các phường, xã sau khi sáp nhập được căn cứ theo địa bàn các xã, phường, thị trấn trước khi sáp nhập để áp dụng. UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và môi trường khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành bảng giá đất mới của tỉnh Đồng Nai để áp dụng từ ngày 1.1.2026.
Theo quy định của Luật Đất đai, bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành là cơ sở để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá; tính thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, lệ phí trước bạ và các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến đất đai; tính giá trị bồi thường khi nhà nước thu hồi đất; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất...
(Ảnh minh họa).
Sổ tay hướng dẫn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp quy định trình tự xây dựng bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 1.1.2026 và điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất hằng năm để công bố và áp dụng từ ngày 1.1 của năm tiếp theo thực hiện như sau: Cơ quan có chức năng quản lý đất đai lập dự án xây dựng bảng giá đất, trong đó xác định nội dung, thời gian, tiến độ, dự toán kinh phí thực hiện và các nội dung liên quan.
Cơ quan có chức năng quản lý đất đai chuẩn bị hồ sơ thẩm định dự án xây dựng bảng giá đất và gửi Sở Tài chính; Sở Tài chính có trách nhiệm thẩm định và gửi văn bản thẩm định hồ sơ dự án xây dựng bảng giá đất về cơ quan có chức năng quản lý đất đai. Hồ sơ thẩm định dự án xây dựng bảng giá đất gồm: Công văn đề nghị thẩm định dự án xây dựng bảng giá đất; Dự thảo Dự án xây dựng bảng giá đất; Dự thảo Tờ trình về việc phê duyệt dự án; Dự thảo Quyết định của UBND cấp tỉnh về việc phê duyệt dự án.
Cơ quan có chức năng quản lý đất đai tiếp thu, hoàn thiện ý kiến thẩm định và trình UBND cấp tỉnh hồ sơ dự án xây dựng bảng giá đất. Hồ sơ dự án xây dựng bảng giá đất gồm: Dự án xây dựng bảng giá đất sau khi đã tiếp thu, hoàn thiện ý kiến thẩm định; Tờ trình về việc phê duyệt dự án; Dự thảo Quyết định của UBND cấp tỉnh về việc phê duyệt dự án; Văn bản thẩm định hồ sơ dự án xây dựng bảng giá đất.
UBND cấp tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp xã, Ban quản lý khu công nghệ cao, khu kinh tế (nếu có) để thực hiện xây dựng bảng giá đất. Cơ quan có chức năng quản lý đất đai lựa chọn tổ chức thực hiện định giá đất để xây dựng bảng giá đất hoặc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện hoạt động tư vấn xác định giá đất. Sở Tài chính trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành phần Hội đồng thẩm định bảng giá đất theo quy định tại khoản 1 Điều 161 Luật Đất đai để thẩm định dự thảo bảng giá đất. Sở Tài chính trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định bảng giá đất quyết định thành lập Tổ giúp việc của Hội đồng.
Tổ chức thực hiện định giá đất xây dựng bảng giá đất: Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin phục vụ việc xây dựng bảng giá đất theo khu vực, vị trí; việc xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn; Xác định loại đất, khu vực, vị trí đất tại từng xã, phường, thị trấn đối với khu vực xây dựng bảng giá đất theo khu vực, vị trí; xác định loại đất, tổng số thửa đất, số thửa đất của mỗi loại đất đối với khu vực xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn;
Tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ kết quả điều tra, khảo sát, thu thập thông tin tại cấp xã, cấp tỉnh; phân tích, đánh giá kết quả thực hiện bảng giá đất hiện hành đối với việc xây dựng bảng giá đất theo khu vực, vị trí; Tổng hợp kết quả điều tra, khảo sát, thu thập thông tin; thiết lập vùng giá trị; lựa chọn thửa đất chuẩn và xác định giá cho thửa đất chuẩn; lập bảng tỷ lệ so sánh đối với việc xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn; Xây dựng dự thảo bảng giá đất và dự thảo Báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất.
Cơ quan có chức năng quản lý đất đai thực hiện: Xây dựng dự thảo Tờ trình về việc ban hành bảng giá đất; Đăng hồ sơ lấy ý kiến đối với dự thảo bảng giá đất trên trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, cơ quan có chức năng quản lý đất đai trong thời gian 30 ngày; Lấy ý kiến bằng văn bản đối với dự thảo bảng giá đất.
Hồ sơ lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo bảng giá đất: Dự thảo Tờ trình về việc ban hành bảng giá đất; Dự thảo bảng giá đất; Dự thảo Báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất. Tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Tờ trình về việc ban hành bảng giá đất; Chỉ đạo tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo bảng giá đất và Báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất.
Cơ quan có chức năng quản lý đất đai trình Hội đồng thẩm định bảng giá đất. Hồ sơ trình thẩm định bảng giá đất gồm: Tờ trình về việc ban hành bảng giá đất; Dự thảo bảng giá đất; Báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất; Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý đối với dự thảo bảng giá đất; Hội đồng thẩm định bảng giá đất thực hiện thẩm định bảng giá đất và gửi văn bản thẩm định bảng giá đất về cơ quan có chức năng quản lý đất đai.
Cơ quan có chức năng quản lý đất đai: Tổ chức thực hiện tiếp thu, giải trình, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo bảng giá đất theo ý kiến của Hội đồng thẩm định bảng giá đất. Trình UBND cấp tỉnh quyết định bảng giá đất. Hồ sơ gồm: Tờ trình về việc ban hành bảng giá đất; Dự thảo bảng giá đất; Báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất; Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý đối với dự thảo bảng giá đất; Văn bản thẩm định bảng giá đất; Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định bảng giá đất.
UBND cấp tỉnh quyết định bảng giá đất. UBND cấp tỉnh công bố công khai và chỉ đạo cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Trong 15 ngày kể từ ngày quyết định xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất, UBND cấp tỉnh gửi kết quả ban hành bảng giá đất về Bộ Nông nghiệp và Môi trường theo Mẫu số 28 ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất trong năm thì UBND cấp tỉnh quyết định áp dụng một hoặc nhiều bước theo trình tự quy định Mục này.
Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh trình UBND cùng cấp quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất. Ngoài các phương pháp xác định giá đất để xây dựng bảng giá đất theo quy định, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, giá đất trong bảng giá đất của khu vực, vị trí có điều kiện hạ tầng tương tự để xác định giá đất để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất.
Trong quá trình quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất, trường hợp cần thiết, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức tư vấn xác định giá đất hoặc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện hoạt động tư vấn xác định giá đất để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung./.
Minh Thu
Bình luận