Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ tư, 09/11/2022 04:11
TMO - Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, những năm qua, công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã được quan tâm. Trong đó, UBND tỉnh đẩy mạnh chỉ đạo các khu công nghiệp hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại đơn vị, hạn chế ảnh hưởng tới chất lượng môi trường.
Hiện tỉnh Thái Bình có 8 khu công nghiệp (KCN) đã và đang được đầu tư xây dựng với tổng diện tích quy hoạch 1.930ha. Tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt trên 53%. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình, trên địa bàn tỉnh có 6 KCN đang hoạt động, với tổng khối lượng nước thải phát sinh từ các KCN năm 2021 là 11.550m3/ngày đêm. Để xử lý lượng nước thải bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả thải ra môi trường, thời gian qua, việc đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải tập trung tại các KCN trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng triển khai thực hiện, đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải của các doanh nghiệp.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, các doanh nghiệp trong KCN đã chủ động đấu nối nước thải sản xuất và sinh hoạt vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Cùng với đó, tại các KCN, một số doanh nghiệp có nước thải phát sinh lưu lượng lớn được miễn trừ đấu nối, đã xây dựng và đưa vào vận hành các trạm xử lý nước thải riêng.
Trong đó, 3 KCN (Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Gia Lễ) đã xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung với tổng công suất xử lý 7.060m3/ngày đêm, đảm bảo công suất xử lý nước thải phát sinh từ các KCN này đạt quy chuẩn kỹ thuật xả ra môi trường theo QCVN 40:2011/BTNMT cột A (các Trạm xử lý nước thải này vẫn còn dư công suất). Đối với các KCN Sông Trà, Cầu Nghìn, Tiền Hải, mặc dù hệ thống xử lý nước thải tập trung đang trong giai đoạn triển khai xây dựng nhưng các doanh nghiệp khi đi vào hoạt động hầu hết đã xây dựng và đưa vào vận hành các trạm xử lý nước thải riêng đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường.
UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị đầu tư KCN trên địa bàn tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải.
Ngoài ra, Sở TN&MT cho biết, nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý toàn bộ lượng nước thải phát sinh, các trạm xử lý nước thải tại các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ xử lý hóa lý kết hợp vi sinh tự sinh với dây chuyền công nghệ điều khiển tự động và bán tự động. Bên cạnh đó, trạm còn có các công trình phụ trợ bảo đảm theo đúng quy định. Đồng thời, phân công cán bộ, công nhân kỹ thuật trực 24/24 giờ để theo dõi và khắc phục sự cố kịp thời trong quá trình vận hành.
Ngoài ra, nước thải của các doanh nghiệp được dẫn đến đường ống thu gom chung KCN, các trạm bơm đẩy về bể thu chung của trạm xử lý và qua đồng hồ đo lưu lượng. Sau đó đưa vào bể tổng hợp để thực hiện xử lý hóa lý và sinh học loại bỏ cặn lơ lửng, giảm COD, BOD và các chất hữu cơ, các vi sinh vật có hại. Nước được thải ra môi trường nằm trong mức tiêu chuẩn xả thải cột A, giá trị C. Cùng với đó, hệ thống quan trắc tự động hoạt động 24/24 giờ, sẽ lấy mẫu nước đã qua xử lý trước khi thải ra sông Bạch, tự động đo các thông số và nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải có vượt quá tiêu chuẩn TCVN.
Theo Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Thái Bình đến năm 2025, địa phương này đặt mục tiêu tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 100%. Với cụm công nghiệp tỷ lệ này phải đạt 80% trở lên. Thời gian tới, tỉnh Thái Bình tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đi vào hoạt động trong các KCN trên địa bàn. Đối với 3 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa đi vào hoạt động, tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào vận hành.
Về lâu dài, tỉnh Thái Bình sẽ có kế hoạch thu hút đầu tư vào các KCN tại Thái Bình sẽ được triển khai theo hướng ưu tiên những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, bảo đảm cơ cấu ngành nghề phù hợp với khả năng và thực tế giải quyết ô nhiễm của tỉnh; thu hút có trọng điểm để phát triển các ngành kinh tế chủ lực cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong bố trí nhà máy, xây dựng phương án bảo vệ môi trường.
Lê Hà
Bình luận