Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 06:11
Thứ hai, 05/12/2022 19:12
TMO - Là vựa lúa lớn nhất cả nước, tuy nhiên, với việc giá lúa gạo không ổn định, tình hình xuất khẩu gạo gặp khó thì việc giảm diện tích đất lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang là giải pháp phù hợp.
Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã thực sự tăng hiệu quả sản xuất và đáp ứng theo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, việc chuyển đổi trồng cây ăn trái hay luân canh rau màu, diện tích tăng nhanh hoặc chậm còn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường tiêu thụ nông sản.
Bước đầu, nhiều địa phương đã tổng kết thành các gói quy trình kỹ thuật tương đối đồng bộ, phục vụ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô, đậu tương, lạc, vừng... Các sản phẩm ngô, đậu tương, vừng, dưa, rau có thị trường tiêu thụ tốt, nhất là ngô và đậu tương. Việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây khác ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng bước đầu cho thấy cây màu, cây ăn trái hiệu quả cao hơn lúa, đồng thời giải quyết được việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Luân canh cây trồng cũng góp phần hạn chế sâu bệnh gây hại cho lúa và giảm được áp lực nước tưới trong thời điểm nắng hạn. Ngoài ra, việc chuyển đổi cũng làm tăng thêm nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn, hạn chế việc nhập khẩu nguyên liệu, từ đó giảm giá thành chăn nuôi.
Chuyển đổi cây trồng giúp tăng giá trị kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tình hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa năm 2022 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng trên 73.000 ha. Tuy nhiên cũng có nhiều nguyên nhân, tồn tại trong quá trình chuyển đổi, đó là vùng chuyển đổi còn mang tính tự phát, chưa gắn với kế hoạch chung. Một số cây trồng khi chuyển đổi nhưng lại có lợi thế cạnh tranh kém, đầu ra tiêu thu sản phẩm chưa ổn định do quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa còn thiếu liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chưa đảm bảo khâu tiêu thụ mang tính bền vững. Nhất là chính sách khuyến khích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa chưa được thực hiện mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng chủ yếu phục vụ cho sản xuất lúa nên việc chuyển đổi sang cây trồng khác chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thấp.
Trong khi đó, việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây trồng khác đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn. Các địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi gắn với thời vụ, vùng chuyển đổi, cây trồng, khoa học-kỹ thuật, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Một số địa phương chưa tính toán chi tiết và phân tích đầy đủ giá trị sản xuất trồng trọt nên việc khuyến cáo, tổ chức chuyển đổi chưa đạt hiệu quả cao.
Để giúp người nông dân chuyển đổi giống cây trồng, các địa phương cần phải lựa chọn loại cây trồng phù hợp để hướng dẫn nông dân chuyển đổi. Trên cơ sở kết quả các mô hình và điều kiện cụ thể của địa phương để xác định các công thức luân canh giữa lúa và các cây trồng khác đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất, đặc biệt, chỉ hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng khi nắm vững được thị trường tiêu thụ.
Kết quả tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội, trực tiếp là cho người nông dân, tuy nhiên cũng gặp không ít thách thức, đó là những khó khăn về vốn, điều kiện về khoa học - công nghệ còn thiếu và yếu, quy mô sản xuất, liên kết giữa các thành phần kinh tế hiệu quả thấp, kinh tế hợp tác hiệu quả chưa cao, môi trường sinh thái bị ô nhiễm nghiêm trọng... Tái cấu trúc nền kinh tế là một quá trình khách quan, nhưng đồng thời cũng phụ thuộc rất nhiều vào các nhân tố chủ quan như nhận thức và hành động của con người trong thực tiễn. Gắn liền với thực hiện các mục tiêu và phương hướng tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần đổi mới và tăng cường khả năng chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương đối với quá trình này, coi đây là một trong những biện pháp hàng đầu hiện nay để khai thác tiềm năng nông nghiệp, phát triển kinh tế vững chắc, nhanh chóng thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, từng bước đưa vùng Đồng bằng sông Cửu Long thành một vùng giàu có, văn minh, hiện đại.
Chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác thực hiện theo quy định nào?
Điều 56 của Luật Trồng trọt quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phải hù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu; Hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi; Bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với quy hoạch và định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương; Không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại.
Về hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, Điều 13 Nghị định 94/2019/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật Trồng trọt. Cụ thể: Phải có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cấp có thẩm quyền phê duyệt; Không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại; không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa; Trường hợp chuyển trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản với độ sâu không quá 120 cen-ti-mét so với mặt ruộng.
Cũng theo Nghị định 94/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phạm vi toàn quốc.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phạm vi toàn quốc; đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp huyện; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên phạm vi toàn tỉnh.
Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phạm vi toàn tỉnh; đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện, ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên phạm vi toàn huyện. Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ nhu cầu chuyển đổi của tổ chức, cá nhân trên địa bàn và kế hoạch chuyển đổi của cấp huyện ban hành kế hoạch chuyển đổi trên địa bàn.
Phạm Yến
Bình luận