Hotline: 0941068156
Thứ ba, 13/05/2025 16:05
Thứ ba, 13/05/2025 06:05
TMO - Tại Lâm Đồng, việc khai thác nhựa thông và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Mô hình này góp phần tăng thu nhập cho người dân, tạo sinh kế lâu dài, đồng thời bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng.
Theo số liệu báo cáo, tổng diện tích có rừng trên toàn tỉnh Lâm Đồng là 537.969,81 ha. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên chiếm tỷ lệ lớn nhất với 454.674,16 ha, đóng góp một phần quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học và duy trì hệ sinh thái tự nhiên.
Ngoài ra, diện tích rừng trồng đã thành rừng là 77.157,76 ha, thể hiện sự nỗ lực của chính quyền và cộng đồng địa phương trong việc tái tạo và phát triển rừng nguyên liệu. Còn diện tích rừng trồng chưa thành rừng là 6.137,89 ha. Tổng diện tích đất có rừng tính tỷ lệ che phủ rừng là 531.831,92 ha.
Trong định hướng phát triển đa dụng, bền vững hệ sinh thái tài nguyên rừng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, toàn tỉnh chú trọng hình thành các vùng nguyên liệu dược liệu, nhựa thông gắn sản xuất với chế biến công nghiệp, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập đối với người dân làm nghề rừng và sống gần rừng trên địa bàn. Việc duy trì và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, đồng thời phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là một trong những trọng tâm mà Lâm Đồng hướng tới
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh phát triển trên 2.500 ha cây dược liệu dưới tán rừng, tương ứng tổng sản lượng khoảng 40.000 tấn/năm. Hình thức trồng dược liệu dưới tán rừng và trồng xen trên diện tích đất trống nhỏ lẻ, manh mún dưới chân đồi, ven sông, suối thuộc quỹ đất lâm nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.
Bên cạnh bảo tồn ngoại vi 8 giống cây dược liệu quy mô diện tích 3 ha, toàn tỉnh trồng bổ sung 20 giống cây dược liệu tại 7 vùng sinh thái trên tổng diện tích khoảng 7.500 ha. Dự kiến đến năm 2050, diện tích và sản lượng dược liệu toàn tỉnh tăng lên gấp đôi năm 2030 với các loài cây chính như: Sâm Ngọc Linh, thông đỏ, hà thủ ô đỏ, đảng sâm, lan kim tuyến, chè dây, đinh lăng, hoàng liên ô rô, xáo tam phân, sâm cau, sói rừng, thanh mai, sâm Lang Biang, thiên niên kiện, sâm bố chính, trà hoa vàng, sa nhân…Hướng đến triển khai cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đối với các vùng nguyên liệu dược liệu, toàn tỉnh mở rộng hợp tác, liên kết với các đơn vị nghiên cứu khoa học chuyên sâu về cây dược liệu.
Đơn cử, tỉnh Lâm Đồng đã liên kết với Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Dược liệu; chọn lọc, tạo các giống, loài cây dược liệu đạt năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu, kháng sâu, bệnh hại, phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên của địa phương.
Người dân khai thác nhựa thông cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: PH).
Đồng thời phối hợp các địa phương trong vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ để hình thành vùng sản xuất nguyên liệu dược liệu tập trung, trong đó ưu tiên một số loài cây hiện có trên quy mô diện tích lớn, giá trị kinh tế cao trên đất lâm nghiệp. Theo giải pháp của các ngành chuyên môn của tỉnh, bên cạnh cây dược liệu trong hệ sinh thái rừng đa dụng, toàn tỉnh triển khai hợp tác, liên kết với đơn vị doanh nghiệp của Nhật Bảncùng các đơn vị có chuyên môn cao để khảo nghiệm, thí điểm khai thác nhựa thông đạt tiêu chuẩn an toàn, năng suất cao, thân thiện với môi trường, làm cơ sở nhân rộng mô hình, hướng tới xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu, Bắc Mỹ.
Cụ thể, đến năm 2026, toàn tỉnh khai thác nhựa thông ba lá đạt quy mô diện tích khoảng 450 ha, kế hoạch tăng vượt trội lên 4.000 ha đến năm 2030 và 30.000 ha vào năm 2050. Qua đó thu hút doanh nghiệp đầu tư ít nhất 1 nhà máy chế biến nhựa thông ba lá (công nghệ Nhật Bản); 2 nhà máy chế biến dược liệu (công nghệ Trung Quốc) hoạt động liên kết chuỗi giá trị, tọa lạc trên địa bàn một trong 3 huyện Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Cũng theo các ngành chuyên môn trong tỉnh, mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh tổng kết, đánh giá mô hình phát triển nguyên liệu gắn với chế biến cây dược liệu, nhựa thông 3 lá.
Từ đó nhằm đúc kết kinh nghiệm, xây dựng quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật phổ biến và nhân rộng. Qua đó, phát triển các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng sống trong rừng và gần rừng, hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm dược liệu, nhựa thông liên ngành, liên vùng và quốc gia. Đặc biệt, triển khai chiến lược quảng bá, tiếp thị trên các kênh truyền thông, trang thông tin điện tử và các sự kiện hội thảo, hội nghị, hội chợ.
Kết hợp huy động các nguồn lực tham gia phát triển bền vững du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong vùng nguyên liệu nhựa thông và dược liệu, hỗ trợ tạo việc làm, nâng cao sinh kế thông qua việc sử dụng lao động địa phương, góp phần phát triển thương hiệu so với năm 2020 có giá trị gia tăng gấp 1,5 lần vào năm 2030 và gấp 2 lần vào năm 2050.
Tương ứng giá trị kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng từ 10 - 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050 trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu lâm sản toàn tỉnh. Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp hiện đại cũng như cây dược liệu, mang lại giá trị gia tăng cao đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh, theo hướng kinh tế xanh, tuần hoàn cho Lâm Đồng.
Thực tế tại Lâm Đồng cho thấy, việc phát triển kinh tế rừng thông qua khai thác nhựa thông và trồng dược liệu dưới tán rừng đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Các mô hình này không chỉ giúp người dân tăng thu nhập mà còn tạo động lực để họ gắn bó, bảo vệ tài nguyên rừng một cách bền vững. Nhựa thông là nguồn nguyên liệu có giá trị cao, được tiêu thụ ổn định, trong khi các loại dược liệu khác phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và cho hiệu quả kinh tế tốt. Kinh tế rừng từ nhựa thông và dược liệu đang mở ra hướng đi triển vọng cho Lâm Đồng trong quá trình phát triển nông – lâm kết hợp.
Thu Huệ
Bình luận