Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 19:01
Thứ năm, 22/08/2024 08:08
TMO - Nghề làm thúng chai bằng tre của làng Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên được duy trì hơn trăm năm nay, nghề đan thúng chai đã tạo nên một nếp sống truyền thống của người dân nơi này.
Là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên có đường bờ biển dài và đã từ bao đời nay đã hình thành các làng chài gắn với nghề đánh bắt hải sản. Nghề đan thúng chai làng Phú Mỹ theo đó cũng hình thành. Những chiếc thúng chai được gia công tỉ mỉ và chất lượng đã giúp làng nghề đan thúng chai Phú Yên không chỉ vươn ra mọi miền trên đất nước mà còn sang cả nước ngoài.
Ban đầu, nghề đan thúng chai chỉ đơn giản là một công việc tay chân của một số ít người dân trong làng. Dần dần, do nhu cầu sử dụng thúng chai ngày càng cao trong các hoạt động đánh bắt hải sản, nghề này đã trở thành một nghề chính, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nghề làm thúng chai được người dân làng Phú Mỹ giữ gìn đến ngày nay.
Người dân địa phương cho biết, trước kia chỉ có một số ít người biết đan thuyền thúng, rồi dần dần, những người đó truyền dạy lại cho con cháu, hàng xóm. Khi nghề này trở nên phổ biến, mọi người trong làng đều bắt tay vào làm, nhờ đó mà cuộc sống cũng khá hơn.
Để hoàn thành được thành phẩm thúng chai hoàn chỉnh, người thợ làm thúng cần trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, chỉn chu, khéo léo. Từ chọn lựa nguyên liệu, nguyên liệu chính ở đây là mây và tre, tuy nhiên phải xử lý kỹ càng mới có thể sử dụng. Những cây tre già, thẳng, không bị cong vênh hay sâu mọt được lựa chọn để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm. Sau khi được chặt về, tre và mây sẽ được phơi nắng nhiều ngày để đạt độ khô cần thiết, giúp cho việc đan dễ dàng hơn và tăng độ bền cho sản phẩm.
Tre được vót mỏng dùng làm mê thúng. Đây là công đoạn khó, người thợ phải lành nghề và khéo tay thì từng chiếc nan đan mới đều khít, thẩm mỹ và đạt độ bền cao.
Sau khi nguyên liệu đã sẵn sàng, người thợ sẽ bắt tay vào đan thúng. Đây là công đoạn quan trọng nhất và đòi hỏi sự khéo léo của người thợ. Các thanh tre được đan xen kẽ tạo thành khung thúng, sau đó là các lớp mây được đan chặt để tạo nên sự chắc chắn. Những thanh tre cứng cáp, còn sợi mây mềm mại kết hợp lại để tạo nên một chiếc thúng bền bỉ và dẻo dai. Quá trình này không chỉ yêu cầu sự tỉ mỉ mà còn cần sự nhạy bén và kiên nhẫn của người thợ.
Công đoạn quét nhựa cho thúng chai để chống ngấm, rò rỉ nước. Ảnh: ĐT.
Cuối cùng là giai đoạn quét nhựa, dầu rái (hoặc phân bò tươi) để hoàn thiện. Đây là bước quan trọng để thúng chai không bị ngấm hay rò rỉ nước vào bên trong. Ở công đoạn này người thợ cần có kinh nghiệm để quét phủ đều lớp nhựa (hoặc dầu rái, phân bò), đảm bảo các khe hở giữa các lan tre, mây được lấp kín giúp thúng chai nổi trên mặt nước. Chỉ cần một sai sót nhỏ sẽ khiến thúng chai hỏng hóc khi gặp sóng to gió lớn giữa biển khơi.
Làng nghề truyền thống đan thúng chai Phú Mỹ được nhiều du khách tới thăm quan. Ảnh CH.
Hiện nay các loại thúng bằng nhựa hay các thúng từ nguyên liệu khác đã khiến nghề làm thúng chai không còn được thịnh hành như xưa, tuy nhiên người dân làng Phú Mỹ vẫn giữ gìn nghề làm thúng chai truyền thống. Bởi thúng chai không chỉ là công cụ hữu ích trong việc đánh bắt hải sản mà còn là biểu tượng văn hóa, xuất hiện trong các lễ hội và sự kiện, góp phần quảng bá hình ảnh làng nghề.
Bên cạnh việc cung cấp thúng cho bà con ngư dân, ngày nay để bảo tồn nghề, dân làng Phú Mỹ đã hình thành nên các điểm du lịch, thu hút đông đảo du khách tới tìm hiểu, thăm quan nghề làm thúng chai. Qua đó giúp khách du lịch có thêm cái nhìn về lịch sử, văn hoá làng nghề, đồng thời phát triển kinh tế, du lịch cho người dân và địa phương.
Đức Hoà
Bình luận