Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ năm, 09/02/2023 10:02
TMO - Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa được đánh giá là khu hệ động thực vật rừng phong phú và đa dạng, với các kiểu rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới đặc trưng cho miền Bắc nước ta. Việc triển khai nhiệm vụ điều tra, phát hiện các loài động, thực vật quý hiếm tại khu vực này góp phần bảo tồn và phát triển hiệu quả đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết thực hiện nhiệm vụ điều tra, bảo tồn các loài rái cá nguy cấp, quý hiếm và nhiệm vụ điều tra, bảo tồn và phát triển 2 loài vù hương, re gừng tại Khu BTTN Xuân Liên.
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành điều tra hiện trạng, phân bố, đặc điểm tập tính, sinh cảnh sống và xây dựng được các giải pháp bảo tồn, phục hồi quần thể các loài Rái cá nguy cấp, quý hiếm đảm bảo khoa học, khả thi, hiệu quả tại Khu BTTN Xuân Liên, tỉnh Thanh Hoá.
Phạm vi thực hiện: Khu BTTN Xuân Liên và vùng hồ Cửa Đạt với tổng diện tích rừng đặc dụng và rừng sản xuất là 24.728,6 ha của Khu bảo tồn thuộc địa phận hành chính của 05 xã: Bát Mọt, Yên Nhân, Lương Sơn, Vạn Xuân và thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân. Quá trình thực hiện hướng đến các mục tiêu cụ thể như: Xác định được chính xác hiện trạng, tình trạng, đặc điểm phân bố, tập tính của các loài Rái cá nguy cấp quý hiếm.
Đánh giá cụ thể được đặc điểm sinh cảnh rừng và vùng sống quan trọng của các loài Rái cá nguy cấp, quý hiếm ở Xuân Liên. Đánh giá các tác động ảnh hưởng đến hiện trạng loài, vùng sống, thức ăn và đề xuất các giải pháp bảo tồn, phục hồi quần thể các loài Rái cá nguy cấp, quý hiếm hiện có trong khu bảo tồn.
Tỉnh Thanh Hóa tiến hành điều tra, bảo tồn các loài rái cá nguy cấp, quý hiếm và phát triển 2 loài vù hương, re gừng tại Khu BTTN Xuân Liên.
Trong quá trình thực hiện điều tra, các đơn vị chức năng triển khai điều tra hiện trạng quần thể (số lượng cá thể, cấu trúc đàn, đặc điểm phân bố, sinh cảnh sống…) của các loài Rái cá nguy cấp, quý hiếm tại Khu BTTN Xuân Liên. Điều tra, theo dõi, xác định cụ thể đặc điểm sinh cảnh sống, tập tính của các loài Rái cá nguy cấp, quý hiếm hiện có tại khu bảo tồn Xác định các yếu tố tác động làm ảnh hưởng đến môi trường sống, thức ăn và nguy cơ suy giảm quần thể các loài Rái cá nguy cấp, quý hiếm phân bố tại khu bảo tồn (có kế thừa tối đa, lựa chọn, xác định thông tin do các công trình, dự án đã được điều tra, thu thập).
Xây dựng cơ sở dữ liệu (phần mềm và dữ liệu thông tin) phục vụ quản lý phục vụ bảo tồn và phát triển các loài Rái cá nguy cấp, quý hiếm phân bố tại khu bảo tồn. Xây dựng, thực thi hiệu quả Kế hoạch hành động bảo tồn và đề xuất biện pháp bảo tồn các loài Rái cá nguy cấp, quý hiếm hiện có tại Khu BTTN Xuân Liên. Đồng thời, nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương và nhận thức cho cộng đồng sống tại các xã vùng đệm.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng tỉnh phối kết hợp điều tra, bảo tồn và phát triển 2 loài vù hương (Cinnamomum balansae, Lecomte), re gừng (Cinnamomum obtusifolium, A. Chev) thuộc chi quế (Cinnamomum) tại Khu BTTN Xuân Liên trên tổng diện tích là 24.728,6 ha của Khu BTTN Xuân Liên thuộc địa phận hành chính của 05 xã: Bát Mọt, Yên Nhân, Lương Sơn, Vạn Xuân và thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân. Nhằm bảo tồn và phát triển bền vững 02 loài Vù hương và Re gừng tại Khu BTTN, tỉnh Thanh Hóa.
Trong đó, xác định được hiện trạng quần thể, cá thể và đặc điểm phân bố tự nhiên 02 loài Vù hương và Re gừng tại Khu BTTN. Kế thừa và xây dựng được cơ sở dữ liệu về đặc điểm sinh vật học (hình thái, sinh trưởng và tái sinh) 02 loài Vù hương và Re gừng tại khu bảo tồn. Xây dựng các biện pháp, giải pháp khoa học, khả thi phục vụ bảo tồn và phát triển bền vững 02 loài Vù hương và Re gừng tại Khu BTTN.
Các đơn vị chức năngtieens hành điều tra hiện trạng, đặc điểm sinh vật học các các loài trên (Ảnh minh họa)
Để triển khai hiệu quả mục tiêu trên, các đơn vị chức năng sẽ tiến hành điều tra hiện trạng, đặc điểm sinh vật học, sinh thái học của 2 loài Vù hương, Re gừng tại Khu BTTN Xuân Liên. Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu (phần mềm và cơ sở dữ liệu) phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững 2 loài Vù hương, Re gừng. Thực thi hiệu quả các hoạt động bảo tồn và phát triển 02 loài Vù hương và Re gừng tại Khu BTTN Xuân Liên. Xây dựng Kế hoạch bảo tồn và phát triển đối với Vù hương và Re gừng, đảm bảo hiệu quả, khoa học, khả thi tại khu bảo tồn. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát triển loài Vù hương, Re gừng và các loài thực vật quý, hiếm, đặc hữu, loài ưu tiên bảo vệ.
UBND tỉnh yêu cầu Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên căn cứ nội dung phê duyệt tổ chức triển khai thực hiện; tổng hợp kinh phí thực hiện nhiệm vụ cùng với dự toán ngân sách chi thường xuyên năm 2023, 2024, 2025 gửi Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị. Chịu trách nhiệm hoàn thiện đầy đủ hồ sơ về tài chính, đầu tư và quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, nội dung; thanh quyết toán theo đúng quy định hiện hành. Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Xuân Liên chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh về các quyết định của mình liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát Ban quản lý Khu BTTN Xuân Liên thực hiện các nội dung được phê duyệt; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về nội dung thẩm định đề cương nhiệm vụ được phê duyệt.
Các Sở, đơn vị: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; UBND huyện Quan Hóa, UBND huyện Bá Thước và các đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên triển khai, đánh giá và nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ nêu trên theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Ngọc Ánh
Bình luận