Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 25/04/2025 16:04
Thứ năm, 24/04/2025 15:04
TMO - Đến thời điểm này, toàn huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) có 98,82% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Từ một huyện vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, nhà nước, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của nhân dân, đến nay, diện mạo nông thôn mới huyện Nậm Pồ đã có nhiều đổi thay, đặc biệt là tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Theo UBND huyện Nậm Pồ, thời gian qua địa phương đã huy động nhiều nguồn lực, đặc biệt là các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung. Huyện ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đến từng bản, cụm dân cư.
Giai đoạn 2021–2025, huyện đã triển khai xây dựng 34 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, tổng mức đầu tư hơn 103 tỷ đồng. Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã nâng số công trình cấp nước trong huyện lên 108 công trình, bảo đảm cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 98,82% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn huyện.
Để bảo đảm sử dụng hiệu quả các công trình sau đầu tư xây dựng, hàng năm huyện đều dành kinh phí duy tu, sửa chữa hư hỏng nhỏ tại các công trình. Huyện chỉ đạo, hướng dẫn các xã quản lý, khai thác, bảo vệ các công trình cấp nước tập trung, đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt, sản xuất, nhưng phải hiệu quả lâu dài.
98,82% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số tại huyện Nậm Pồ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Toàn huyện có 15/15 xã đã thành lập tổ, hội dùng nước với tổng số 218 thành viên trực tiếp quản lý, vận hành các công trình nước đã được đầu tư xây dựng tại địa bàn. Các tổ, hội là những người dân sống ngay tại khu vực có công trình, được đào tạo kỹ năng cơ bản về bảo trì, vận hành, đồng thời có trách nhiệm tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong cộng đồng cùng gìn giữ, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.
Việc đầu tư cấp nước không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, mà còn góp phần nâng cao năng suất sản xuất, cải thiện chất lượng đời sống của người dân vùng cao. Đồng thời, các công trình này cũng giúp địa phương hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới, một trong những tiêu chí khó và cần nhiều nỗ lực để đạt được.
Vừa qua, trực tiếp kiểm tra, giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng các công trình nước sinh hoạt tập trung tại huyện, Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên đánh giá các công trình cấp nước đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân khu vực nông thôn, cải thiện tỷ lệ tiếp cận nước hợp vệ sinh và hoàn thiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở Nậm Pồ.
Tuy nhiên, việc sử dụng, bảo vệ các công trình cấp nước tập trung chưa được quản lý, duy tu bảo dưỡng thường xuyên; nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng, hoạt động không hiệu quả; việc bảo vệ các công trình gặp nhiều khó khăn; một số công trình bị mất đường ống dẫn nước đầu nguồn hoặc hư hỏng; người quản lý chủ yếu làm việc kiêm nhiệm, hoặc không có chuyên môn.
Thời gian tới, địa phương này tập trung rà soát, đánh giá lại hiệu quả của các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn; chỉ đạo các xã xây dựng giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ quản lý, vận hành công trình cấp nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc khai thác, sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt. Đối với những công trình đầu tư từ lâu đã hư hỏng hoặc không còn hoạt động, nếu đủ điều kiện thì xem xét, thực hiện thanh lý theo quy định.../.
Ngọc Lan
Bình luận