Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 04:11
Thứ tư, 19/10/2022 14:10
TMO - Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai, TP.HCM đã đề xuất được thí điểm 10 nội dung và phân cấp 1 nội dung trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn Thành phố.
Vừa qua, Thường trực Thành ủy TP.HCM đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên Môi trường về một số nội dung liên quan đến vấn đề đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất. Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết vấn đề quản lý về đất đai, môi trường là vấn đề thành phố xem như là sống còn trong quá trình phát triển của thành phố.
Cụ thể, thí điểm cho TP.HCM xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của Thành phố, trình Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua; trên cơ sở đó Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất (không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất).
Thí điểm cho áp dụng việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất cùng mục đích sử dụng thì bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi theo tỷ lệ phần trăm. Giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổng kết thực tiễn và quyết định tỷ lệ phần trăm này phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Thí điểm cho Thành phố được tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Thí điểm cho phép tổ chức lại Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng thành phố Thủ Đức thành Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Thủ Đức trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, thực hiện chức năng nhiệm vụ như Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp tỉnh.
Thí điểm cho tách phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 để thực hiện độc lập; sau khi hoàn tất sẽ tích hợp vào quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh; Thí điểm cho Thành phố không phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm; Thí điểm cho phép các tổ chức sử dụng đất được thế chấp, cho thuê và chuyển nhượng "quyền thuê đất" đóng tiền hàng năm.
Thí điểm cho Thành phố áp dụng "Căn cứ để giao đất, cho thuê đất là văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá, đấu thầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chấp thuận chủ trương thanh toán cho các dự án BT”;Thí điểm cho Thành phố thực hiện thủ tục về thuê đất, thuê đất có mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai; không thực hiện thủ tục thuê khu vực biển được quy định tại Luật Biển Việt Nam và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo như hiện nay đối với các dự án về cảng biển (kể cả dự án lấn biển).
Thí điểm cho phép Trung tâm Phát triển quỹ đất triển khai công tác khai thác ngắn hạn đối với các khu đất do Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quy định chi tiết về khai thác ngắn hạn quỹ đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, phân bổ cho Trung tâm phát triển quỹ đất tối thiểu 10% nguồn thu từ công tác này. Về nội dung phân cấp, UBND thành phố được xác định giá đất để bồi thường, hỗ trợ cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện.
TP.HCM đề xuất thí điểm nhiều cơ chế mới, tháo gỡ vướng mắc trong quản lý đất đai. Ảnh: Quỳnh Trần
Đối với nhóm các vấn đề vướng mắc, khó khăn, lãnh đạo UBND thành phố cho rằng thành phố xác định có 5 vấn đề đang là điểm nghẽn lớn nhất cần phải được xem xét, tháo gỡ ngay, như tiến độ công tác lập quy hoạch TP.HCM chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 11/NQ-CP; Thủ tục hành chính giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phụ thuộc vào các quy định pháp luật khác như pháp luật về đầu tư, về đấu thầu, pháp luật về nhà ở, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công… trong khi các quy định này chưa thống nhất, đồng bộ, dẫn đến việc giải quyết hồ sơ kéo dài; việc sắp xếp lại, xử lý đất và các tài sản khác gắn liền với đất là tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tuy nhiên khái niệm “tài sản công” vẫn chưa được quy định cụ thể.
Từ đó, lãnh đạo UBND thành phố kiến nghị tách phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 để thực hiện độc lập; sau khi hoàn tất sẽ tích hợp vào quy hoạch TP.HCM. Đồng thời, cần thống nhất thủ tục hành chính giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với các luật khác về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, cần bổ sung khái niệm về chuyển mục đích sử dụng đất và quy định chuyển mục đích sử dụng đất cũng là một quyền của người sử dụng đất nhằm làm rõ các thuật ngữ giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong đó người sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất được sử dụng đất theo hình thức giao đất hoặc thuê đất.
Đối với đất do các doanh nghiệp đã thực hiện xong việc cổ phần hóa đang quản lý, sử dụng: Không lập lại Phương án sử dụng đất đối với doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa nhưng không có Phương án sử dụng đất. Đồng thời, giải quyết các thủ tục đất đai (ký Hợp đồng thuê đất, ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất hoặc thu hồi đất) theo đúng các quy định pháp luật đất đai.
Ngoài ra, cần bổ sung khái niệm “đất do Nhà nước trực tiếp quản lý”, từ đó xác định cụ thể những trường hợp đất đai là đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để có chế định quản lý, sử dụng đất đặt biệt, tránh gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước cũng như tránh áp dụng pháp luật tùy tiện đối với các loại đất khác không phải là đất do Nhà nước trực tiếp quản lý.
Lê Anh
Bình luận