Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 02/05/2025 20:05
Thứ sáu, 02/05/2025 06:05
TMO - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi quy định về thu phí thẩm định trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Theo đó, mức thu phí được đề xuất tăng nhằm phản ánh đúng chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả giám sát và bảo vệ nguồn tài nguyên nước.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thu phí từ 40-102% đối với 6 công việc thẩm định khai thác, sử dụng nguồn nước. Theo Bộ Tài chính, tại Biểu mức phí tại Thông tư số 01/2022/TT-BTC quy định phí khai thác, sử dụng nguồn nước, trong đó có 8 công việc thu phí. Căn cứ Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản hướng dẫn, trên cơ sở đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tại dự thảo Thông tư, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung công việc thu phí.
Về biểu mức thu phí, căn cứ Luật Phí và lệ phí, trên cơ sở đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung biểu mức thu phí. Cụ thể, điều chỉnh tăng mức thu 6 công việc từ 40-102%: Thẩm định đề án thăm dò nước dưới đất; thẩm định báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất; thẩm định báo cáo hiện trạng khai thác nước dưới đất; thẩm định hồ sơ, điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn; thẩm định đề án khai thác, sử dụng nước mặt; thẩm định đề án khai thác, sử dụng nước biển.
Về chi phí tuân thủ mà doanh nghiệp phải chi ra để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, theo Ngân hàng Thế giới, chi phí tuân thủ pháp luật bình quân cho doanh nghiệp ở Việt Nam chiếm 20-30% lợi nhuận. Trong các lĩnh vực liên quan hiện nay thì: phí thẩm định cấp mới giấy phép môi trường: 45-50 triệu đồng (Thông tư số 02/2022/TT-BTC ngày 10/1/2022); phí cấp phép khai thác khoáng sản: 1-100 triệu đồng (Thông tư số 10/2024/TT-BTC ngày 5/2/2024). Mức phí cấp mới của lĩnh vực tài nguyên nước mới nếu được điều chỉnh: 15-58 triệu đồng. Vì vậy, đây là mức thu phù hợp với các công việc thẩm định hồ sơ cấp phép tương tự hiện hành của các lĩnh vực liên quan.
Như vậy, khi được cấp giấy phép (Giấy phép thăm dò nước dưới đất; Giấy phép khai thác tài nguyên nước; Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất) thì chủ giấy phép chỉ phải chi trả một lần mức phí này cho cả thời gian hiệu lực của giấy phép (trung bình từ 5-15 năm) nên chi phí này rất nhỏ so với chi phí đầu tư hay lợi nhuận của đơn vị có được khi khai thác tài nguyên nước.
(Ảnh minh hoạ).
Theo đó, nếu việc điều chỉnh mức thu tăng từ 40-102%, tương ứng với mức thu là 15-58 triệu đồng, tác động không đáng kể đến doanh nghiệp, doanh nghiệp có khả năng chi trả và sẵn sàng chi trả để đảm bảo cho việc tuân thủ pháp luật của mình.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, với mức thu phí đề xuất điều chỉnh tăng từ 40-102% so với mức thu của Thông tư số 01/2022/TT-BTC và tỷ lệ nộp vào ngân sách Nhà nước (NSNN) là 30% thì số tiền thu nộp vào NSNN cơ bản sẽ cao hơn mức thu nộp vào NSNN hiện hành tại Thông tư số 01/2022/TT-BTC, do đó sẽ tác động tích cực đến nguồn thu NSNN.
Ngoài ra, giữ nguyên 4 công việc: Thẩm định đề án thăm dò nước dưới đất; Thẩm định báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất; Thẩm định báo cáo hiện trạng khai thác nước dưới đất; Thẩm định hồ sơ, điều kiện hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn.
Điều chỉnh 2 công việc do điều chỉnh đối tượng cấp phép, quy mô khai thác của công trình thuộc thẩm quyền cấp phép do cơ quan trung ương thực hiện theo quy định tại Nghị định 54/2024/NĐ-CP gồm: Thẩm định đề án khai thác, sử dụng nước mặt và Thẩm định đề án khai thác, sử dụng nước biển. Điều chỉnh một công việc do không còn trường hợp thẩm định đề án, báo cáo cho cấp lại do chuyển nhượng giấy phép và thực tế triển khai thực hiện có việc thẩm định đề án, báo cáo đối với trường hợp đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép khai nước biển: Thẩm định đề án, báo cáo đối với trường hợp đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác nước dưới đất, nước mặt, nước biển.
Điều chỉnh một công việc do không còn thẩm định điều chỉnh giấy phép hành nghề kho nước dưới đất: Thẩm định hồ sơ, điều kiện trong trường hợp gia hạn giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.
Mức phí thẩm định được điều chỉnh tăng nhằm phản ánh đầy đủ chi phí thực tế của công tác quản lý nhà nước, từ việc xem xét hồ sơ, đánh giá tác động đến tài nguyên đến việc giám sát thực địa. Đồng thời, góp phần nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng nước, thúc đẩy việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và có kế hoạch đầu tư công nghệ xử lý, tái sử dụng nước. Đây cũng là một bước đi phù hợp với chủ trương tăng cường quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên nước hiệu quả.
Bùi Oanh
Bình luận