Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 06:11
Thứ tư, 30/10/2024 08:10
TMO – Có ý kiến đề xuất cân nhắc việc tăng mức tiền đặt cọc đấu giá đất nhằm chặn “thầu tặc”, tuy nhiên ý kiến khác lại cho rằng phương án này không có tính khả thi, đồng thời đề xuất kiểm tra năng lực tài chính của người tham gia đấu giá.
Đấu giá đất được kỳ vọng là giải pháp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực tài nguyên đất đai, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, tình trạng đầu cơ, thổi giá đang là thách thức lớn đối với công tác quản lý đất đai ở các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn, đặt biệt là Hà Nội. Đây cũng là chủ đề ‘nóng’, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, tranh luận.
Theo đó, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật đối với thị trường bất động sản, Đại biểu Quốc hội (đoàn tỉnh Bắc Kạn) băn khoăn về việc tình trạng giá nhà đất tại một số thành phố lớn tăng rất cao, nhất là Hà Nội và TP. HCM đã khiến thị trường bất động sản vừa mới phục hồi lại xuất hiện những dấu hiệu cho thấy không ổn. Đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo để tháo gỡ những vướng mắc của các dự án nhà ở hiện nay và nếu thuộc thẩm quyền của cấp cao hơn thì báo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ những vướng mắc trong các dự án này. Cần có chính sách ưu đãi, đủ sức hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở thương mại phù hợp với túi tiền của phần đông người lao động; nghiên cứu triển khai các biện pháp mạnh để kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất trong thời gian vừa qua.
Đề xuất tăng mức đặt cọc nhằm tránh ‘thầu tặc’. Ảnh: Tại một phiên đấu giá đất.
Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cho rằng đấu giá không thực chất sẽ rất nguy hiểm, thị trường buôn bán trở thành nơi để trục lợi. Đại biểu này đề nghị tăng giá đặt cọc để tránh "thầu tặc"; tăng tiền đặt cọc theo từng vòng đấu thầu, theo lũy tiến để buộc người đấu giá phải cân nhắc khi bỏ cọc; cần phải có chế tài mạnh để cấm các doanh nghiệp này tiếp tục đấu giá trên các lĩnh vực.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) lại cho rằng, không nên tăng phí đặt cọc mà cần tăng thêm điều kiện về những người tham gia đấu giá. Theo lý đại biểu Cường, hiện nay phí đặt cọc đang được quy định từ 5%-20%. Chẳng hạn như, giá bất động sản ban đầu là 10 tỷ thì phí đặt cọc là 2 tỷ, không phải ai tham gia đấu giá thì đều được mua bất động sản đó ngay, 10 người tham gia thì chỉ được một người mua. Chi phí dồn tiền đặt cọc vào đó sẽ tạo ra cản trở tâm lý nên rất ít người tham gia đăng ký mua. Nếu chúng ta tăng phí đặt cọc lên thì càng tăng chi phí này, dẫn đến ít người tham gia đấu giá. Ông Cường đề nghị bổ sung người tham gia đấu giá phải minh chứng được năng lực về tài chính có thể mua được tài sản đó, sau khi trúng đấu giá bằng việc xác nhận các khoản như tiền gửi ngân hàng hoặc các tài sản khác để minh chứng khả năng có thể huy động vốn và phải cam kết nếu như trúng đấu giá, bỏ cọc, sẽ bị xử lý.
Quy định này cần làm khi minh chứng, khi nộp hồ sơ, không phải khi vào cuộc chúng ta mới minh chứng hay bổ sung. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện, có đủ thời gian để người tham gia chuẩn bị cũng như cơ quan quản lý đấu giá kiểm soát. Ngoài ra, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị thực hiện ngay Điều 31 của Luật Giá về kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có sự biến động giá bất thường để các doanh nghiệp bất động sản không lợi dụng khi thị trường khan hiếm nguồn cung để đưa ra giá bán cao một cách bất thường.
Việc kiểm tra yếu tố hình thành giá sẽ không chỉ phát hiện được sự bất thường của các giá bán cao để bảo vệ người tiêu dùng và ổn định thị trường mà còn là cơ sở để thu thuế điều tiết phần thu nhập tăng lên do giá cao. Đồng thời đề xuất hàng hóa bất động sản của các doanh nghiệp bán ra lần đầu trên thị trường thứ cấp thuộc đối tượng phải kê khai giá. Nếu thực hiện được kê khai giá và kiểm tra giá như thế sẽ ngăn chặn được tình trạng vô lý, tự nhiên giá này tăng lên cao. Điều này là một giải pháp rất căn bản, hữu hiệu để chúng ta kiểm soát giá sử dụng bất động sản.
Liên quan đến đấu giá đất, thời gian qua, thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất tại nhiều địa phương đã bộc lộ những bất cập, cần được chấn chỉnh và hoàn thiện. Theo các chuyên gia, thông qua đấu giá đất, nhà nước có thể quản lý và phân bổ đất đai một cách hiệu quả, đảm bảo việc sử dụng đất hợp lý và phát triển hạ tầng đô thị, công nghiệp và các dự án phát triển khác. Các khoản tiền thu được từ đấu giá đất góp phần tăng cường ngân sách địa phương và trung ương, giúp tài trợ cho các dự án phát triển hạ tầng và phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian qua, thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất tại Việt Nam đã bộc lộ nhiều bất cập, cần được chấn chỉnh và hoàn thiện.
Cần mạnh tay xử lý các trường hợp đầu cơ, ‘thổi’ giá đất trục lợi. Ảnh minh họa.
Đấu giá đất là công cụ để nhà nước thực hiện các chính sách đất đai, tái phân bố đất, điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất, và kiểm soát quỹ đất, giúp quản lý tốt hơn tài nguyên đất, đảm bảo sự phát triển bền vững và hài hòa giữa lợi ích kinh tế, xã hội, và môi trường. Đấu giá đất mang lại sự minh bạch và công bằng trong việc tiếp cận đất đai cho các nhà đầu tư. Đấu giá đất công khai và minh bạch giúp hạn chế các hành vi tham nhũng và thất thoát tài sản nhà nước, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công. Đấu giá đất giúp xác định giá trị thị trường của đất đai một cách minh bạch, từ đó đóng vai trò quan trọng trong ổn định giá đất và tránh tình trạng "bong bóng" bất động sản. Song, nếu không được quản lý chặt chẽ, đấu giá đất có thể dẫn đến tình trạng đầu cơ, đẩy giá đất lên quá cao và gây nhiễu loạn thị trường. Để phát huy hiệu quả vai trò của đấu giá đất, cần có các quy định pháp lý rõ ràng, quy trình minh bạch và cơ chế giám sát chặt chẽ, nhằm tránh những tác động tiêu cực đến thị trường và nền kinh tế.
Triển khai Luật Đất đai mới, một số địa phương chưa ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai thuộc thẩm quyền và bảo đảm các điều kiện cần thiết khác để triển khai thi hành (vấn đề chậm ban hành văn bản đã được Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, phê bình). Thực trạng này đang làm nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó có những tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất. Khi địa phương không điều chỉnh bảng giá đất mà sử dụng giá đất trong bảng giá đất hiện hành làm giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất thì sẽ xảy ra tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá đất thực tế tại địa phương. Từ đó, dẫn đến giá đất trong kết quả đấu giá chênh lệnh rất lớn so với giá khởi điểm tạo nên sự đột biến, bất thường.
Bên cạnh đó, tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá còn do sự thao túng giá của các đối tượng đầu cơ, tham gia đấu giá quyền sử dụng đất không phải vì nhu cầu đất ở mà vì mục đích “thổi giá” để kiếm lời. Ngoài ra, tại một số địa phương, việc lập và công khai quy hoạch các khu vực phát triển nhà ở chưa được thực hiện bài bản, minh bạch, đã tạo cơ hội để các đối tượng lợi dụng đầu cơ đất đai, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
PHẠM DUNG
Bình luận