Hotline: 0941068156
Thứ tư, 20/11/2024 00:11
Thứ ba, 19/11/2024 18:11
TMO – Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đặt ra 38 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể, được giao cho các Bộ, ngành, địa phương gắn với thời gian thực hiện nhất định, nhằm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang lấy ý kiến dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn trình Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, dự thảo đề xuất 5 nhóm quan điểm, các mục tiêu gắn với các chỉ tiêu để giám sát, đánh giá theo các giai đoạn đến năm 2030 và năm 2035.
Theo Viện Chiến lược Chính sách, Bộ TN&MT, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững, Luật Bảo vệ môi trường đã có những quy định, pháp lý hóa việc thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn để triển khai áp dụng vào thực tiễn. Ngoài ra, việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần hiện thực hóa phát triển kinh tế tuần hoàn. Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn dự kiến lựa chọn 34 ngành, lĩnh vực thuộc 9 nhóm ngành có tiềm năng thực hiện kinh tế tuần hoàn bao gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; năng lượng; khai thác và chế biến khoáng sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; hóa chất; xây dựng; giao thông vận tải; quản lý chất thải; và lĩnh vực trung gian, cộng sinh.
Giao thông vận tải - một trong những nhóm ngành nhiều tiềm năng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn. Ảnh minh họa.
Dự thảo cũng đề ra các nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Đơn cử như, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện kinh tế tuần hoàn; Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng vào việc tổ chức, xây dựng ban hành Kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn cho các ngành, lĩnh vực và các tỉnh; hoàn thiện quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, hỗ trợ thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, bao gồm: Hỗ trợ thực hiện thiết kế sinh thái để đạt được tiêu chí của kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ áp dụng, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ số, công nghệ thân thiện với môi trường; hình thành và phát triển thị trường cho các hàng hoá, dịch vụ liên quan và thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn trong hoạt động tiêu dùng, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Đồng thời, tăng cường quản lý chất thải trong việc thí điểm, nhân rộng và phát triển các mô hình quản lý chất thải theo vùng, miền và địa phương; thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ quản lý chất thải để thực hiện kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh liên kết, hợp tác, giám sát, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn thông qua tăng cường liên kết, hợp tác, phát triển công cụ hỗ trợ đo lường, cơ chế giám sát, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn. Dự thảo cũng đề ra các nhiệm vụ, hoạt động cụ thể, được giao cho các Bộ, ngành, địa phương gắn với thời gian thực hiện nhất định, nhằm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn…/.
THẢO NGUYÊN
Bình luận