Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 12:01
Thứ ba, 03/12/2024 19:12
TMO – Để thúc đẩy phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cần đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, kết nối giữa các khu và điểm du lịch trong vùng, liên vùng và quốc tế trong đó chú trọng phát triển hệ thống cảng du lịch trên sông Tiền, sông Hậu và cảng du lịch tàu biển tại các tỉnh ven biển.
Sở hữu những nét văn hóa bản địa phong phú cùng hệ sinh thái đa dạng gồm hệ thống cửa sông, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, bên cạnh đó là khoảng 750 km bờ biển, hơn 150 đảo, quần đảo lớn, nhỏ…, vùng đất “Chín Rồng” có nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển nhiều loại hình như: Du lịch sinh thái miệt vườn gắn với cảnh quan sông nước; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám phá lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống; du lịch biển đảo chất lượng cao; du lịch MICE… Với hơn 386 km đường biên giới với Campuchia và 4 sân bay gồm 2 sân bay quốc tế và 2 sân bay nội địa, nhất là sân bay quốc tế Phú Quốc, Đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhiều lợi thế để kết nối tour, tuyến với các quốc gia trong khu vực và nhiều vùng, miền trong cả nước.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vùng ĐBSCL tuy có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch, nhưng dù lịch vùng vẫn chưa có bước đột phá hoặc chuyển biến rõ nét, cụ thể là chưa tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Do đó, việc quy hoạch phát triển du lịch vùng ĐBSCL được xác định là cơ sở pháp lý quan trọng giúp du lịch vùng phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Du khách quốc tế trải nghiệm du lịch sông nước miền Tây.
Theo đó, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phương hướng phát triển du lịch toàn vùng. Cụ thể: du lịch vùng ĐBSCL phát triển theo hướng trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái (miệt vườn sông nước, đất ngập nước) và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu; phát triển Cần Thơ và Phú Quốc trở thành hai trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng.
Phát triển các khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng gắn với việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử gồm: Khu du lịch quốc gia Phú Quốc, Năm Căn - Mũi Cà Mau, Tràm Chim - Láng Sen, Núi Sam, Thới Sơn; điểm du lịch quốc gia: Cù lao Ông Hổ, Khu lưu niệm Cao Văn Lầu, bến Ninh Kiều, Ao Bà Om, Hà Tiên, Văn Thánh Miếu...
Phát triển các tuyến du lịch kết nối nội vùng, liên vùng, quốc gia, quốc tế, trong đó chú trọng phát triển các tuyến du lịch liên vùng gắn với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau; tuyến hành lang ven biển phía Nam (Thái Lan - Campuchia - Rạch Giá - Cà Mau) và hệ thống cửa khẩu quốc tế đường bộ Hà Tiên (Kiên Giang), Tịnh Biên (An Giang), Dinh Bà, Thường Phước (Đồng Tháp) và Bình Hiệp (Long An); tuyến đường biển và tuyến đường sông dọc theo sông Tiền và sông Hậu kết nối với Phnompenh, Seam Reap (Campuchia).
Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, kết nối giữa các khu và điểm du lịch trong vùng, liên vùng và quốc tế trong đó chú trọng phát triển hệ thống cảng du lịch trên sông Tiền, sông Hậu và cảng du lịch tàu biển tại các tỉnh ven biển. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường đào tạo nghề dịch vụ du lịch, góp phần chuyển đổi nghề bền vững cho lao động nông thôn.
MỸ KIM
Bình luận