Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 22:01
Chủ nhật, 17/04/2022 19:04
TMO - Trước yêu cầu kiểm định chất lượng nghiêm ngặt tại các thị trường xuất khẩu, thời gian qua tỉnh Tiền Giang đang đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng cây ăn trái.
Với diện tích trên 80.000 ha vườn cây ăn trái cùng sản lượng đạt hơn 1,5 triệu tấn/năm, Tiền Giang là một trong những tỉnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng xuất khẩu trái cây rất lớn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến nay, mã số vùng trồng cây ăn trái đã được cấp 281 mã số với hơn 17.600 ha và 728 cơ sở được cấp mã số đóng gói; trong đó, mã số vùng trồng được cấp sang thị trường Trung Quốc là 127 mã số với 6 chủng loại cây trồng gồm: thanh long, xoài, mít, dưa hấu, chuối và chôm chôm.
Vùng chuyên canh thanh long tại tỉnh Tiền Giang
Mã số vùng trồng được cấp sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand là 154 mã số, với 4 chủng loại cây trồng gồm thanh long, xoài, chôm chôm và vú sữa.
Để việc cấp mã vùng trồng trái cây đạt hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm, tăng cường thiết lập đăng ký, kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói luôn được tỉnh quan tâm.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang) là đơn vị đầu mối tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Đồng thời, kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đã được cấp để đề nghị Cục Bảo vệ thực vật bổ sung, thu hồi hoặc hủy mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu của khách hàng nhập khẩu và nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang định hướng tiếp tục mở rộng sản xuất trái cây theo hướng tập trung chuyên canh. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục tiến hành kiểm tra, rà soát các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đã cấp trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật, Tiền Giang là một trong những địa phương có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói được cấp lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là địa phương có mã số bị thu hồi nhiều nhất và diện tích được cấp mã số còn ít so với tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh.
Để khắc phục những hạn chế này, ngành chức năng của tỉnh cần tăng cường công tác giám sát quản lý lĩnh vực này, tích cực tuyên truyền để người dân hiểu được vai trò và tầm quan trọng của vấn đề cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói trong sản xuất bền vững ngành hành trái cây, nhất là phục vụ chiến lược xuất khẩu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát duy trì các diện tích cây ăn trái đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mở rộng hoặc cấp mới mã số vùng trồng cây ăn trái phục vụ xuất khẩu chính ngạch.
Phạm Oanh
Bình luận