Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 06:01
Thứ bảy, 17/09/2022 10:09
TMO - Bộ Công Thương cho biết, với tác động của các hiệp định thương mại tự do đa phương với Australia, ngành hàng thủy sản của Việt Nam trong đó có xuất khẩu tôm có khả năng cạnh tranh tốt hơn nhờ lộ trình giảm thuế.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, từ năm 2018 đến nay xuất khẩu tôm sang Australia liên tục tăng trưởng dương từ 115 triệu USD năm 2018 lên 188 triệu USD năm 2021. Tính tới 15/8/2022, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 169 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính tới 15/8/2022, trong tổng cơ cấu tôm xuất khẩu của Việt Nam sang Australia, tôm chế biến (HS 16) chiếm 40% trong khi tôm nguyên liệu đông lạnh (HS 03) chiếm 60%. Giá trị xuất khẩu tôm mã HS 16 đạt 68 triệu USD, tăng 41% trong khi giá trị xuất khẩu tôm mã HS 03 đạt 101 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ trọng xuất khẩu tôm chế biến từ Việt Nam sang Australia trong 5 năm trở lại đây có xu hướng giảm do quy định khắt khe về an toàn sinh học của nước này. Mới đây, Australia có quy định nới lỏng quy định kiểm tra đối với một số sản phẩm tôm chế biến. Kỳ vọng xuất khẩu tôm chế biến từ Việt Nam sang Australia từ nay đến cuối năm sẽ tăng trưởng tốt hơn nữa.
Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Australia thông tin, Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia có thông báo bổ sung tôm tẩm bột (breaded, battered, or crumbed - BBC) và tôm siêu chế biến chưa được làm chín (highly processed -HP) vào danh sách các mặt hàng được hưởng ưu đãi theo Chương trình can thiệp ưu đãi (CBIS) - Cơ chế dành ưu đãi cho hàng hóa là thực vật nhập khẩu vào Australia được hưởng tỷ lệ kiểm tra an toàn sinh học ít hơn.
Theo đó, kể từ ngày 22/8/2022, tôm BBC và HP từ tất cả các nước đã được phê duyệt sẽ được hưởng các ưu đãi trong Chương trình CBIS. Các sản phẩm này sẽ được ưu đãi dựa vào lịch sử tuân thủ các quy định về an toàn sinh học và tỷ lệ kiểm tra xác suất rủi ro của Chính phủ Australia.
Cụ thể, đối với tôm BBC, thay vì 100% các lô hàng phải kiểm tra nguyên niêm phong để xác minh hàng hóa, hiện nay chỉ một phần các lô hàng phải kiểm tra còn nguyên niêm phong. Đối với tôm HP, thay vì 25% số lô hàng phải kiểm tra để xác minh hàng hóa, thì chỉ một phần nhỏ hơn các lô hàng phải đưa đi kiểm tra.
Với quy định nới lỏng về kiểm tra đối với một số sản phẩm tôm chế biến, xuất khẩu tôm sang Australia dự báo tăng trưởng khả quan trong năm nay
Các sản phẩm tôm chính của Việt Nam hiện đang được xuất khẩu nhiều sang Australia gồm tôm chân trắng luộc, bỏ đầu, bỏ đuôi đông lạnh; tôm chân trắng bỏ đầu bỏ đuôi PD tươi đông lạnh, tôm chân trắng bỏ đầu còn đuôi PDTO tươi đông lạnh, tôm chân trắng PD IQF đông lạnh…
Tỷ trọng xuất khẩu tôm chế biến từ Việt Nam sang Australia trong 5 năm trở lại đây có xu hướng giảm do quy định khắt khe về an toàn sinh học của nước này. Hiện Australia có quy định nới lỏng quy định kiểm tra đối với một số sản phẩm tôm chế biến.
Mặc dù lạm phát cao, nhưng sự tăng trưởng mạnh mẽ của các chỉ số kinh tế, kinh tế Australia vẫn dự báo có thể tránh được suy thoái trong năm nay. Cùng với trợ lực từ các Hiệp định RCEP, CPTPP mà Việt Nam và Australia có tham gia, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này dự báo vẫn khả quan từ nay đến cuối năm.
Trong năm 2021, Australia là thị trường nhập khẩu lớn thứ 7 sản phẩm tôm từ Việt Nam, chiếm tỷ trọng 5% trong tổng giá trị nhập khẩu tôm của Việt Nam. Trong những tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Australia ghi nhận mức tăng trưởng khá cao, vươn lên vị trí thứ 6 về nhập khẩu tôm của Việt Nam với tỷ trọng 7%
Việt Nam và Australia là hai quốc gia thành viên của nhiều Hiệp định Thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - Hiệp định có quy mô lớn nhất thế giới. Mỗi năm thị trường này tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn thủy sản nhưng khai thác, sản xuất nội địa chỉ có thể đáp ứng 230.000 – 280.000 tấn. Dân số Australia đang ở mức 25 triệu dân và dự kiến sẽ tăng lên 40 triệu dân vào năm 2050.
Với các hiệp định thương mại tự do đa phương với Australia, đặc biệt là Hiệp định RCEP có hiệu lực kể từ đầu năm 2022, tôm Việt Nam đi vào thị trường Australia sẽ có khả năng cạnh tranh tốt hơn nhờ lộ trình giảm thuế. Bên cạnh những thuận lợi thì mặt hàng tôm Việt Nam cũng phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại đến từ các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, trong khi đó, các thị trường này đang tăng cường diện tích thả nuôi để tăng quy mô xuất khẩu.
Để đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng tôm vào thị trường này, các chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt cần đảm bảo quy định an toàn sinh học, an toàn thực phẩm và nhãn, chứng nhận xuất xứ. Bên cạnh đó, cần chú ý tới tính bền vững trong khai thác thuỷ sản.
Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn phải tìm hiểu quy tắc xuất xứ, đặc biệt là quy tắc xuất xứ cộng gộp nội khối. Đồng thời,đáp ứng tốt các quy định về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động - thực vật (SPS) và rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) của các nước nhập khẩu đối với sản phẩm thủy sản đang là khâu yếu của thủy sản Việt Nam.
PV
Bình luận