Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ hai, 31/10/2022 22:10
TMO - Với nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản xuất lâm nghiệp, tỉnh Phú Thọ phấn đấu mỗi năm trồng và duy trì 2.200 ha rừng gỗ lớn, từ năm 2025 trở đi duy trì tổng diện tích 20.000 ha rừng sản xuất gỗ lớn, qua đó thúc đẩy ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.
Hiện nay tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp là 187.957,6ha, chiếm 53,17% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó, diện tích đất có rừng là 170.531,8ha, chiếm 93,1% so với tổng diện tích rừng và đất rừng cho mục đích lâm nghiệp; tỷ lệ che phủ rừng đạt 40%.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, trồng, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn mang lại nhiều lợi ích, không chỉ tiết kiệm cây giống, chi phí trồng, chăm sóc mà còn giảm sâu bệnh hại và hạn chế suy thoái đất rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Theo kế hoạch, mỗi năm toàn tỉnh phấn đấu chuyển hóa 600ha rừng gỗ lớn; trồng mới 2.000ha rừng gỗ lớn. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ cho biết, đến hết năm 2020 toàn tỉnh Phú Thọ mới thực hiện trồng và chuyển hóa trên 6.900ha rừng gỗ lớn. Tính đến tháng 7/2022, toàn tỉnh phát triển thêm 4.885,6ha rừng gỗ lớn, đưa tổng diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh lên 11.799,6ha.
Tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu đến năm 2025 thúc đẩy trồng, chuyển hóa đạt 20.000 ha rừng cây gỗ lớn. Ảnh: Khánh Trang
Mục tiêu của ngành lâm nghiệp tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 là giữ ổn định độ che phủ rừng là 38,8%; thúc đẩy trồng, chuyển hóa đạt 20.000 ha rừng cây gỗ lớn trong đó trồng mới 15.350 ha, chuyển hóa 4.650 ha; hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) cho 25.000 ha rừng; sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng 3.500 nghìn m3; năng suất rừng trồng đạt 15 m3/ha/năm.
Phát triển rừng gỗ lớn hiệu quả góp phần hình thành vùng nguyên liệu gỗ chất lượng đáp ứng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương Phú Thọ cho biết, ngành công nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn đã góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế, lao động trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có có 178 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã, 714 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản quy mô vừa, khoảng 2.100 cơ sở chế biến gỗ quy mô hộ gia đình.
Giai đoạn 2016 - 2021, ngành chế biến gỗ, giấy trên địa bàn tỉnh đã đạt mức tăng trưởng khá, trên 9%/năm, đưa giá trị sản xuất năm 2021 lên trên 9.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2022 sẽ cao hơn. Các sản phẩm có đóng góp có trong giá trị sản xuất công nghiệp như gỗ xẻ 200 nghìn m3, giấy bìa 243 nghìn tấn, ván bóc 125 nghìn tấn, gỗ ghép thanh 110 nghìn m3, ván ép 90 nghìn m3.
Giai đoạn 2021-2025, Phú Thọ xác định cây gỗ lớn là sản phẩm lâm nghiệp chủ lực, từng bước giảm diện tích trồng rừng tập trung sản xuất gỗ nhỏ để chuyển hóa sang trồng rừng gỗ lớn. xây dựng vùng sản xuất tập trung đạt 10.000ha gắn với doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm gỗ hướng tới xuất khẩu... Tuy nhiên, hiện nay, diện tích rừng gỗ lớn của Phú Thọ vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ, chưa tương xứng tiềm năng.
Vùng nguyên liệu từ rừng gỗ lớn giữ vai trò quan trọng trong nâng cao giá trị của ngành công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện giải pháp đồng bộ từ khâu quy hoạch vùng trồng phù hợp; thực hiện tốt tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển kinh doanh gỗ lớn; các giải pháp kỹ thuật từ khâu chọn tạo giống, trồng chăm sóc, khai thác và chế biến; chính sách, chủ trương của nhà nước.
Trong số đó, tập trung tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển lâm nghiệp nói chung, phát triển rừng gỗ lớn nói riêng. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ lớn, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC theo Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Cung cấp thông tin về giống chất lượng cao, giống tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất và cơ sở cung cấp giống uy tín để mọi tầng lớp nhân dân biết, hiểu và thực hiện tốt việc đầu tư kinh doanh gỗ lớn.Vận dụng cơ chế, chính sách đầu tư của trung ương cho lĩnh vực lâm nghiệp vào điều kiện thực tiễn của tỉnh, đồng thời kịp thời đề xuất với tỉnh ban hành những chính sách hỗ trợ cho phát triển gỗ lớn, nhất là khâu chọn tạo giống và chuyển hóa gỗ lớn.
Tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ để phát triển rừng cây gỗ lớn, theo đó ất cả các đối tượng khi tham gia chuyển hóa đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định, có cam kết với UBND cấp xã, Hạt Kiểm lâm khai thác sau 10 năm tuổi sẽ được tỉnh hỗ trợ kinh phí 12 triệu đồng/ha. Khuyến khích các doanh nghiệp thiết lập mối liên hệ với hộ trồng rừng nhằm đảm bảo việc cung cấp nguyên liệu ổn định, vùng nguyên liệu được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, nguyên liệu tham gia vào chuỗi hành trình sản phẩm CoC… Quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng cho lâm nghiệp nhằm thúc đẩy, hỗ trợ cho sản xuất lâm nghiệp, từ khâu trồng rừng, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Nguyễn Liên
Bình luận