Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 01:11
Thứ hai, 22/08/2022 22:08
TMO - Trong những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa với những nông sản chủ lực, tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Mới đây, tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ xuất hành lô quả nhãn tươi đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Australia với tổng khối lượng hơn 1 tấn, mở ra nhiều triển vọng, hướng đi trong thời gian tới cho người trồng nhãn nói riêng và người sản xuất nông nghiệp ở Bắc Giang nói chung.
Hiện nay, cây nhãn đã trở thành 1 trong số ít cây trồng chủ lực của tỉnh Bắc Giang với tổng diện tích là 3.400ha trồng nhãn với tổng sản lượng nhãn tươi khoảng 20.000 tấn, chỉ sau vải thiều và cây có múi. Diện tích nhãn tập trung tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, trong đó diện tích nhãn muộn khoảng 600ha.
Những chuyến xe đầu tiên chở nhãn chín muộn tại huyện Yên Thế xuất khẩu sang thị trường Australia
Các địa phương đã phát huy thế mạnh, áp dụng quy trình sản xuất phát triển cây nhãn là 1 trong số cây ăn quả có chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Để phát triển bền vững cây ăn quả, tỉnh Bắc Giang đã tập trung đẩy mạnh sản xuất để xuất khẩu, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm cây ăn quả, đặc biệt năm 2022 tập trung chỉ đạo để xuất khẩu nhãn.
Đến nay, toàn tỉnh đã cấp được 47 mã số vùng trồng, diện tích 514ha, sản lượng 4.000 tấn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; 5 mã số vùng trồng, với diện tích 52.92ha, sản lượng khoảng 450 tấn để xuất khẩu sang thị trường Australia.
Để bảo đảm sản xuất nhãn gắn với xuất khẩu được thuận lợi, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục tăng cường chỉ đạo sản xuất nhãn an toàn, mở rộng diện tích vùng trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ nhãn xuất khẩu.
Đồng thời, nắm bắt kịp thời, đầy đủ, chính xác số lượng, các yêu cầu của các thị trường xuất khẩu như: kích thước, chất lượng quả, mẫu mã quả; hướng dẫn người sản xuất thu hoạch, bảo quản, đóng gói theo tiêu tiêu chuẩn xuất khẩu, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các phương án, các điều kiện phục vụ xuất khẩu sang các thị trường được ổn định, lâu dài và có hiệu quả.
Bắc Giang là địa phương có lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp đa dạng, phong phú với các sản phẩm cây trồng, vật nuôi có giá trị. Hiện tại, bước đầu địa phương đã tạo được một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung như: vải thiều, lúa chất lượng, lạc, vùng nguyên liệu gỗ,... trình độ canh tác và năng lực sản xuất nông nghiệp hàng hóa của nông dân được nâng cao.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang, diện tích cây ăn quả của địa phương hiện có trên 51.000ha, đưa Bắc Giang trở thành tỉnh có diện tích cây ăn quả các loại lớn thứ 4 toàn quốc. Trong đó vải thiều là cây trồng chủ lực với diện tích trên 28.300ha đứng thứ nhất toàn quốc, đến nay đã được xuất khẩu trên 30 quốc gia và được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại các quốc gia: Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Singapore....
Thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trong năm 2022, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ toàn tỉnh đạt trên 199.500 tấn; trong đó,vải chín sớm trên 61.000 tấn, vải chính vụ trên 138.500 tấn. Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ vụ 2022 của tỉnh Bắc Giang ước đạt 6.785 tỷ đồng; trong đó, doanh thu từ vải thiều đạt khoảng 4.411 tỷ đồng (cao hơn so với năm 2021 là 137 tỷ đồng), doanh thu từ các hoạt động, dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 2.374 tỷ đồng.
Vải thiều Bắc Giang tiếp tục được mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, đạt hơn 123.500 tấn, chiếm khoảng 61,9% tổng sản lượng tiêu thụ. Ngoài ra, vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu sang thị trường truyền thống Trung Quốc và các quốc gia, khu vực như: EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... Giá vải thiều xuất khẩu ổn định ở mức cao, dao động từ 30.000 -55.000 đồng/kg.
Vải thiều Bắc Giang năm 2022 tiếp tục được mở rộng tiêu thụ tại thị trường tiêu thụ nội địa và quốc tế. Ảnh: BBG
Vụ vải năm 2022, Bắc Giang đã đa dạng hóa, linh hoạt thị trường tiêu thụ vải thiều; sớm chủ động, linh hoạt điều phối cơ cấu, phân bổ thị trường tiêu thụ hợp lý. Bắc Giang cũng đa dạng hóa các kênh phân phối, hình thức trao đổi, mua bán vải thiều cả phương thức truyền thống và hiện đại.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang cho biết, vụ sản xuất năm 2023 Bắc Giang tiếp tục duy trì ổn định diện tích sản xuất vải thiều, tăng diện tích vùng trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ. Cùng với đó, đẩy nhanh công tác nghiên cứu, đánh giá và nhân rộng mô hình trồng vải không hạt. Ở những diện tích đã được cấp mã vùng, tỉnh tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình sản xuất vải hữu cơ.
Bên cạnh đó, địa phương sẽ chủ động mở rộng các kênh tiêu thụ trong nước và phát triển tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử và trên môi trường số, phù hợp theo xu hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phát triển theo hướng kinh tế nông nghiệp và kinh tế số; đảm bảo năm 2023 tỷ trọng tiêu thụ vải thiều nội địa ổn định và ở mức chiếm khoảng 60% tổng sản lượng mùa vụ.
Đối với thị trường xuất khẩu, Bắc Giang sẽ tổ chức các chương trình xúc tiến tiêu thụ, tìm kiếm, mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ tại thị trường truyền thống Trung Quốc và các thị trường mới, tiềm năng; ưu tiên các thị trường mà vải thiều đã được xuất khẩu chính ngạch và được bảo hộ thương hiệu tại các nước.
Thu Hoài
Bình luận