Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ năm, 05/09/2024 14:09
TMO - Những năm qua, tỉnh Sơn La đã tích cực xây dựng và triển khai mô hình bể thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên các cánh đồng. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Triển khai các mô hình thí điểm sử dụng thuốc BVTV an toàn, tổ chức thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả… là cách mà tỉnh Sơn La đang triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường.
Tỉnh Sơn La có trên 320.000 ha đất nông nghiệp, hằng năm, theo số liệu thống kê có khoảng 300 tấn thuốc BVTV được sử dụng trong trồng trọt và có từ 35 - 40 tấn vỏ bao bì đã qua sử dụng cần phải thu gom, tiêu huỷ, tránh tác hại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thuốc bảo vệ thực vật là vật tư quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân giảm thiệt hại do sinh vật hại gây ra. Tuy nhiên, việc lạm dụng sản phẩm này sẽ gây ra nhiều hậu quả, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường, chất lượng nông sản. Đồng thời, vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng nếu không được thu gom, xử lý hiệu quả cũng gây ra những ảnh hưởng lớn đến chất lượng môi trường.
Bể chưa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng trên các cánh đồng đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu gom chất thải nông nghiệp nguy hại này. Ảnh: NY.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm do vỏ bao gói thuốc BVTV, từ năm 2021, UBND Sơn La đã ban hành Quyết định 2858/QĐ về việc phê duyệt Đề án "Quản lý, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025". Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 5.468 bể chứa vỏ thuốc BVTV tại các xã, bản. Giai đoạn từ 2017 đến cuối năm 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã thu gom, tiêu hủy được 80 tấn vỏ bao gói thuốc BVTV.
Những năm qua, huyện Thuận Châu đã thực hiện nhiều giải pháp thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, bền vững. Huyện có trên 50.800 ha đất sản xuất nông nghiệp, đồng nghĩa với việc lượng thuốc BVTV được sử dụng khá lớn. UBND huyện đã chỉ đạo các xã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng để đúng nơi quy định; quy định chặt chẽ việc sử dụng thuốc BVTV, nhất là thuốc trừ cỏ tại khu vực đầu nguồn nước; xây dựng pano, áp phích hướng dẫn sử dụng thuốc “4 đúng” , “5 quy tắc vàng” trong sử dụng thuốc BVTV.
Từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế huyện, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện đã xây dựng được 520 bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng tại 27 xã. Các bể chứa có dung tích 1m3, có nắp đậy kín, được bố trí ven trục giao thông nội đồng, bờ ruộng lớn, tại các vùng canh tác tập trung, vùng sản xuất VietGAP, các khu vực đã được cấp mã số vùng trồng để thuận tiện cho việc thu gom.
Định kỳ 6 tháng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thu gom, vận chuyển mang đi tiêu hủy theo quy định. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khắc phục những hạn chế, huyện Thuận Châu tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nguồn kinh phí xây bể chứa, đảm bảo kích cỡ, mật độ; tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân thu gom, vận chuyển bao gói thuốc BVTV sau sử dụng vào đúng nơi quy định.
Huyện Mai Sơn đang có gần 49.100 ha đất sản xuất nông nghiệp; hằng năm, lượng thuốc BVTV sử dụng bón cho cây trồng rất lớn. Cùng với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, huyện Mai Sơn đã xây 535 bể chứa rác thải bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV sau sử dụng. Từ năm 2020 đến nay, các xã, thị trấn thu gom 35.108 kg vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật các loại.
Cùng với đó, Phòng NNN&PTN huyện đã tham mưu UBND huyện đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành của nhân dân, chủ động thu gom, xử lý các loại rác thải gây độc hại cho môi trường. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn nâng cao kỹ thuật, phương thức sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, thay đổi thói quen sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV.
Đoàn thanh niên xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng.
Mặc dù, có đến 5.468 bể chứa vỏ thuốc BVTV, nhưng hiện nay, toàn tỉnh mới có 1 kho lưu chứa tạm thời vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, công năng chứa khoảng 30 - 35 tấn vỏ bao gói thuốc BVTV; chưa có khu vực lưu chứa trung chuyển, tập kết tại các huyện hoặc liên xã. Tại một số địa phương, việc thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng chưa thực hiện đúng theo quy định (thu gom 2 lần/năm), nên tại một số bể chứa đã quá tải, tràn đầy xung quanh bể; một số bể chứa vỏ bao gói thuốc chưa được sử dụng đúng công năng, có cả rác sinh hoạt, làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Đây là một trong những hạn chế lớn cần được tháo gỡ để tỉnh Sơn La tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn.
Phân bón, thuốc BVTV đóng vai trò quan trọng trong gieo trồng, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa nông sản. Cùng với việc đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phối hợp, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.104 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, gồm 525 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và 579 cơ sở kinh doanh phân bón. Các mặt hàng phân bón, thuốc BVTV đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã sản phẩm, thuận lợi cho nông dân lựa chọn để phát triển sản xuất.
Đảm bảo nhu cầu sản xuất nông nghiệp cũng như chất lượng của mặt hàng này, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để các loại vật tư nông nghiệp trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới sản xuất, năng suất chất lượng của nông sản, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra; tăng cường tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật cũng như tập huấn chuyên môn cho các chủ đại lý kinh doanh buôn bán vật tư nông nghiệp, nâng cao hơn nữa ý thức của người kinh doanh. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững trong toàn tỉnh.
Lê Hồng
Bình luận