Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Chủ nhật, 20/08/2023 07:08
TMO - Huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) đã phát triển thành công các vùng trồng na xanh tốt với tổng diện tích hơn 2.500ha, sản lượng đạt trên 22.000 tấn quả, giá trị kinh tế ước đạt trên 700 tỷ đồng/năm.
Hiện nay, huyện Chi Lăng có 8/8 xã trọng điểm trồng na với tổng diện tích na sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP đạt 740 ha, có 4 sản phẩm na Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Tháng 8 hàng năm là thời điểm vựa na Chi Lăng vào vụ thu hoạch, mỗi ngày có hàng nghìn sọt na tươi theo ròng rọc xuống núi để kịp giờ thương lái thu gom. Cả một vùng Chi Lăng trập trùng núi đá đã được phủ một mầu xanh bạt ngàn của cây na. Cây na theo chân đồng bào dân tộc Tày, Nùng lên những đỉnh núi có độ cao gần 800m rồi vào thung lũng.
Từ những vùng núi đá khô cằn, bắt đầu từ những năm 1990, đến nay, huyện Chi Lăng đã phát triển hình thành vùng trồng na, với tổng diện tích hơn 2.500ha, sản lượng đạt hơn 22.000 tấn quả, giá trị kinh tế ước đạt hơn 700 tỷ đồng/năm. Vùng sản xuất Na Chi Lăng tập trung chủ yếu ở các xã Chi Lăng, Mai Sao, Thượng Cường, Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ. Nhờ phát triển cây na, nhiều hộ dân đã có thu nhập khá, có thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm; nhiều thôn bản từ nghèo khó nay đã có 60 - 70% hộ giàu.
Tháng 8 hàng năm là thời điểm vựa na Chi Lăng vào vụ thu hoạch. Ảnh: VS.
Năm 2011, quả na Chi Lăng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Na Chi Lăng” cho sản phẩm na quả của huyện Chi Lăng (Lạng Sơn). Được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục đặc sản “Na Chi Lăng” của tỉnh Lạng Sơn được công nhận vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam theo Bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam.
Huyện Chi Lăng luôn chú trọng việc xây dựng hình ảnh na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP như: Tổ chức các hội chợ thương mại, giới thiệu nông sản; tổ chức các hội thảo truyền thông về thương hiệu na Chi Lăng... Gần đây nhất vào đầu vụ na năm 2022, Uỷ ban nhân dân huyện Chi Lăng đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền; tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2022 tại Hà Nội. Tại đây, sản phẩm Na Chi Lăng được quảng bá đến gần hơn với người tiêu dùng ở các tỉnh, thành trong cả nước.
Sản phẩm na Chi Lăng được quảng bá rộng rãi, thúc đẩy tiêu thụ.
Đặc biệt, trước những biến chuyển mạnh mẽ của thời kỳ công nghệ 4.0, chuyển đổi số, kinh tế số những người nông dân trong huyện đã bắt kịp xu thế công nghệ trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Để mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đã có nhiều gian hàng nông sản trên mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok, sàn thương mại điện tử Vỏ sò (voso.vn), postmart.vn...
Đồng thời cũng là dịp quảng bá, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho đặc sản na Chi Lăng theo hướng phát triển bền vững. Ngoài ra, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, giúp người nông dân, doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất và đạt lợi nhuận cao nhất, hướng tới mục tiêu “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số”.
Ngoài sản phẩm na Chi Lăng, Lạng Sơn còn có nhiều lâm sản, đặc sản nổi tiếng khác, như hoa hồi với diện tích 35.000ha, sản lượng 16.000 tấn/năm; rau đặc sản các loại (cải làn, cải ngồng, rau bò khai, rau sắng…) 9.000ha; thạch đen 3.100ha; quýt 1.500ha, sản lượng 5.500 tấn/năm; hồng không hạt Bảo Lâm và hồng vành khuyên có 2.000ha, sản lượng 7.000 tấn/năm; chè đặc sản Đình Lập; diện tích rừng thông có 126.000ha, sản 55.000 tấn nhựa thông/năm)…
Mới đây, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) tổ chức chương trình quảng bá, tiêu thụ na và các sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) của huyện. Đây là những sản vật đặc sản của tỉnh Lạng Sơn đã được xếp hạng OCOP 3 và 4 sao. Thông qua sự kiện này, tỉnh Lạng Sơn mong muốn được hợp tác với doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, từ đó quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Nguyễn Hạnh
Bình luận