Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ hai, 26/12/2022 02:12
TMO - Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen là vùng lõi của đất ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An. Đây là một trong số ít các khu vực ngập nước nội địa tự nhiên còn lại ở vùng ĐBSCL với nhiều loại hình thái địa mạo đã tạo ra hệ sinh thái đất ngập nước vô cùng đa dạng, phong phú. Do vậy, việc triển khai các giải pháp phục hồi đa dạng sinh học tại khu vực này có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo tồn hệ sinh thái tại địa phương này.
Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Láng Sen là khu Ramsar thứ 7 (công nhận năm 2015) trên tổng số 9 khu của Việt Nam. Khu bảo tồn được thành lập theo Quyết định số 199/QĐ-UB ngày 19/01/2004 của UBND tỉnh Long An, phần lớn nằm trên địa bàn xã Vĩnh Lợi và một phần thuộc xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.
Nơi đây được xem như một bồn trũng nội địa thuộc vùng trũng rộng lớn Đồng Tháp Mười, với hình thái địa mạo đa dạng và là vùng sinh thái tiêu biểu cho kiểu đầm lầy ngập nước. Đặc trưng hệ sinh thái vùng đất ngập nước Láng Sen bao gồm: Rừng tràm, ruộng lúa, đồng cỏ ngập nước theo mùa, thảm thực vật thân gỗ, dây leo chịu ngập, bãi lầy ven sông…, phong phú các loài thực vật, nhiều nhất là các loài sen, súng, năng ngọt, lúa ma, cỏ ống, lục bình, rau dừa...
Tính đa dạng sinh học trong khu vực Láng Sen được ghi nhận với sự hiện diện của nhiều loài động thực vật đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh: BLA
Tính đa dạng sinh học trong khu vực Láng Sen được ghi nhận với sự hiện diện của nhiều loài động thực vật đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười. Về thực vật, trong khu vực Láng Sen khá phong phú với 156 loài thực vật hoang dã trong đó có 152 loài đã xác định được tên khoa học thuộc 60 họ được tìm thấy... Căn cứ vào dạng sinh trưởng, 152 loài thực vật hoang dã ở Láng Sen được chia ra: Cây thân gỗ (26 loài), cây bụi (15 loài), cây thân thảo (101 loài)…Còn về động vật, số liệu thống kê chỉ ra khu vực này có 128 loài động vật có xương sống (không kể lớp cá)…; trong đó có 13 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Riêng chim có tới hơn 140 loài, với khoảng 20 nghìn cá thể chim nước trú ngụ, tiêu biểu như: Sếu đầu đỏ, diệc lửa, diệc xám, giang sen, cò trắng chân xanh…
Đây là khu vực thuận lợi cho việc khôi phục các hệ sinh thái đồng cỏ, bãi ăn của nhiều loài chim nước và động vật có xương sống. Riêng vùng lõi khu bảo tồn Láng Sen có 12 tiểu khu được bao bọc bởi sông Vàm Cỏ Tây và tách biệt với khu dân cư. Dưới lòng kênh 79 của khu bảo tồn này là nơi sinh sống của hơn 78 loài thủy sản nước ngọt, trong đó có 27 loài đặc hữu sông Mê Công như: Cá tra dầu, cá lóc bông, cá thát lát, cá linh…
Khu đất ngập nước Láng Sen là không gian phát triển của nhiều loài động thực vật quý hiếm
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực đất ngập nước này, từ năm 2017 UBND tỉnh Long An đã quyết định thành lập Khu rừng đặc dụng thuộc Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen (xã Vĩnh Lợi và xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An). Trong đó, phân khu bảo tồn các hệ sinh thái - đa dạng sinh học, là rừng đặc dụng thuộc Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen với diện tích 1.970,88 ha.
Đây là khu bảo vệ nghiêm ngặt thuộc vùng lõi. Khu vực này bao gồm các hệ sinh thái tự nhiên với sự hiện diện của nhiều loài động - thực vật tạo thành những sinh cảnh đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười. Khu này bao gồm cả khu trú ngụ và sinh sản của các loài chim nước cần phải bảo vệ.
Cùng với đó là các phân khu do các tổ chức, cá nhân khác quản lý: Phân khu hệ thủy sản tự nhiên với diện tích khoảng 156 ha. Đây là khu vực nằm trong khu vực ngã ba sông Vàm Cỏ Tây - rạch Cái He, nơi trú ngụ và sinh sản của nhiều loài thủy sản tự nhiên của vùng Đồng Tháp Mười. Để bảo vệ khu chức năng này cần có sự phối hợp với chính quyền địa phương và có sự tham gia của cộng đồng trong việc khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên tự nhiên.
Khu rừng tràm kinh tế với diện tích khoảng 982 ha. Đây là khu rừng tràm kinh tế thuộc quản lý của Lâm trường Vĩnh Lợi; khu du lịch sinh thái - phục hồi cảnh quan Đồng Tháp Mười với diện tích khoảng 106 ha. Đây là khu đầu tư phục vụ du lịch sinh thái và phục hồi lại các cảnh quan, thực vật bản địa và hoạt động canh tác đất ngập nước theo kiểu xưa kia của vùng Đồng Tháp Mười.
Khu vực dự kiến sẽ trồng khoảng 340.000 cây tràm tại khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. Ảnh: G. Chính
Thời gian tới, khoảng 340.000 cây tràm sẽ được trồng tại 17 ha rừng đặc dụng Láng Sen giai đoạn 2022-2024 để bổ sung số cây bị chết, phục hồi đa dạng sinh học. Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), vị trí 17 ha tại khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, trước đây có cây tràm, hiện nhiều vị trí bị chết dẫn tới hệ sinh thái dưới nước suy giảm, chim di cư mất dần nơi trú ẩn, sinh sản.
Theo kế hoạch, ba tháng đầu năm 2023, IUCN sẽ hoàn thành thủ tục với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, dọn thực bì, đào mương; những tháng cuối năm sẽ trồng cây; năm 2024 dọn cỏ, phòng cháy chữa cháy, cắt tỉa cây yếu và trồng bổ sung số cây bị hao hụt. Theo đánh giá, trông cây tràm mang lại nhiều giá trị cho Khu bảo tồn, cụ thể tạo hệ sinh thái ngập lũ để các loài thực vật, động vật như chim hoang dã, chim nước, thủy sản quý hiếm có nơi trú ngụ. Bảo vệ đất phèn không bị chuyển hóa, ngăn cản sự chua hóa lớp đất mặt, trữ nước ngọt. Đồng thời, có tác dụng phòng hộ và bảo vệ môi trường sống cho con người như hạn chế gió bão, lốc.
Mạnh Cường
Bình luận