Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 05:11
Thứ ba, 19/04/2022 11:04
TMO - Với những điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển các loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, quế Trà My, trong thời gian tới huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) sẽ tăng cường các giải pháp khuyến khích hỗ trợ người dân tham gia bảo tồn và phát triển góp phần ổn định cuộc sống gắn với trách nhiệm giữ rừng.
Với độ cao trung bình từ 1000m-1500m so với mực nước biển, lượng mưa trải đều trong các tháng trong năm, đất đai màu mỡ, độ che phủ rừng trên 65%; khu vực rừng núi trên địa bàn huyện Nam Trà My có tầng đất mặt ít bị bào mòn nên rất thuận lợi cho cây trồng, nhất là đối với cây dược liệu như: đảng sâm, đương quy, giảo cổ lam, kim cương (lan gấm), sơn tra, sa nhân …, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh và quế Trà My.
Huyện Nam Trà My có khoảng 300 loài dược liệu, trong đó có nhiều dược liệu quý như quế, đảng sâm, đương quy, giảo cổ lam, lan kim tuyến, sơn tra, thất diệp nhất chi hoa, sa nhân… được người dân tìm thấy và phát triển.
Huyện Nam Trà My tập trung khai thác tiềm năng phát triển vùng trồng dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh
Giai đoạn 2017 - 2020, toàn huyện có 1.038 hộ được hỗ trợ tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng phát triển dược liệu trên 70ha. Người dân còn tự nhân giống, trồng khoảng 40ha dược liệu. Phát triển vùng dược liệu là hướng đi đúng đắn, đang góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo vệ rừng.
Hiện nay, giá đảng sâm tăng lên 150 - 250 nghìn đồng/kg tùy theo loại. Thu nhập bình quân của hộ dân trồng đảng sâm từ 20 - 30 triệu đồng/năm; những nơi người dân chăm sóc tốt và tự nhân rộng để trồng thì thu hoạch đến 50 - 70 triệu đồng/năm.
Phiên chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức định kỳ hàng tháng là không gian để các đơn vị giới thiệu về sâm và các sản phẩm dược liệu khác
Đặc biệt, tại phiên chợ Sâm Ngọc Linh và hàng nông sản đặc trưng miền núi hàng tháng được tổ chức, người dân đã khai thác và đem sản phẩm đến chợ để tiêu thụ, bình quân mỗi phiên chợ khoảng 500kg dược liệu được bán ra. Các cơ sở kinh doanh đã tổ chức thu mua sản phẩm thô của người dân, sau đó sơ chế, chế biến, đóng gói sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm tham gia chương trình OCOP, cung cấp cho thị trường. Mỗi năm bình quân người dân bán ra thị trường từ 5 - 6 tấn dược liệu các loại.
Xác định được lợi thế của địa phương, chính quyền huyện Nam Trà My cũng đưa ra nhiều cơ chế, chính sách để phát triển các loại cây dược liệu này phục vụ cho chương trình giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, huyện đã tổ chức quán triệt các văn bản đến tận người dân, chỉ đạo UBND các xã, ban ngành triển khai thực hiện nghiêm túc các cơ chế, chính sách đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.
Hiện nay, đối với các loại cây dược liệu (ngoài sâm Ngọc Linh và quế Trà My), với sự hỗ trợ của nhà nước và nguồn lực tự có, 10/10 xã của huyện đã tích cực phát triển cây dược liệu dưới tán rừng như: đảng sâm, đương quy, lan gấm, đinh lăng, sa nhân… Thống kê đã có trên 1.500 hộ tham gia trồng và phát triển cây dược liệu các loại với diện tích 366ha.
Huyện Nam Trà My chú trọng đến chất lượng giống quế bản địa để duy trì số lượng cấp phát cho người dân trồng mới
Đối với cây quế Trà My, để giữ nguồn gen quý, bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ khác nhau, huyện đã cấp hàng triệu cây quế để người dân trồng. Phân công ngành nông nghiệp trực tiếp đến cơ sở vận động người dân không phá bỏ vườn quế mà vẫn bảo tồn, tiếp tục tự ươm giống trồng thêm loại cây này. Nhờ vậy, hiện nay, quế được trồng ở 10/10 xã với diện tích hiện có trên 3.600ha; định hướng của huyện đến năm 2025 sẽ phủ kín 6.000ha quế theo quy hoạch, từng bước hình thành nên các vùng quế chuyên canh, tạo vùng nguyên liệu.
Trung tâm Giống nông lâm nghiệp tỉnh được hỗ trợ cơ sở vật chất để nghiên cứu, sản xuất giống dược liệu, cung ứng cho huyện Tây Giang 30 nghìn cây ba kích nuôi cấy mô; xây dựng 4 khu vực trồng bảo tồn kết hợp sản xuất giống dược liệu đảng sâm, sa nhân tím, ba kích tím ở Nam Trà My, Đông Giang, Tây Giang và Phước Sơn; hỗ trợ giống cây dược liệu mới từ ngân sách tỉnh hơn 24 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 - 2020.
Để ngày càng phát huy thêm hiệu quả từ cây sâm Ngọc Linh cũng như các loại cây dược liệu khác, huyện Nam Trà My rất chú trọng đến việc ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển. Nhờ đó mà tỉ lệ và chất lượng cây giống sâm Ngọc Linh, cây dược liệu được nâng lên, đạt hiệu quả cao, giải quyết được vấn đề nguồn giống có chất lượng và hiệu quả.
Mai Hương
Bình luận