Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ ba, 06/12/2022 03:12
TMO - Thời gian qua, thành phố Hải Phòng đang đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng và khởi công các bến tiếp theo, góp phần đưa Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế dịch vụ lớn và hiện đại, xứng đáng là một trọng điểm kinh tế của cả nước, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, một mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và tham gia vào chuỗi các cảng biển quốc tế và khu vực.
Hải Phòng là thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm dịch vụ logistics. Địa phương này có vùng bờ, biển và đảo rộng lớn, nằm trong chiến lược biển của cả nước với 126km bờ biển và hơn 4.000km2 diện tích mặt biển. Hệ thống hạ tầng logistics của Hải Phòng có khả năng kết nối cao giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không, từ đó rất thuận tiện để kết nối vận tải đa phương thức.
Thông tin tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 vừa được tổ chức, ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, cho biết bước sang năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng trong 10 tháng năm 2022 tiếp tục ổn định và phát triển. Các ngành dịch vụ truyền thống, có lợi thế của thành phố như dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics đã có những bước phát triển mạnh mẽ; đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung. Tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố đạt khoảng 20-23%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP thành phố đạt từ 13-15%.
Hạ tầng logistics của Hải Phòng đang ngày càng hoàn thiện, hạ tầng cảng biển, giao thông được đầu tư mạnh mẽ. Ảnh: An Sinh
Sản lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng mạnh, chiếm thị phần ngày càng lớn trong hệ thống cảng biển của cả nước. Hạ tầng logistics của Hải Phòng đang ngày càng hoàn thiện, hạ tầng cảng biển, giao thông được đầu tư mạnh mẽ có bước phát triển đột phá theo hướng hiện đại, đồng bộ. Cảng kiểu mẫu quốc tế Hải Phòng hoàn thành xây dựng giai đoạn khởi động và đưa vào khai thác tuyến số 1, số 2, hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản đáp ứng, kết nối giữa các khu công nghiệp với hệ thống cảng biển. Hệ thống cảng biển được đầu tư xây mới phù hợp xu hướng phát triển từng bước trở thành Trung tâm dịch vụ logistic của khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động logistics tại Hải Phòng vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Phần lớn sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng tiếp tục được lưu chuyển bằng đường bộ, gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông; phương thức vận tải hàng hóa bằng đường sắt, đường thủy nội địa còn yếu. Mặt khác, doanh nghiệp logistics trên địa bàn tuy đông về số lượng nhưng năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chiếm thị phần thấp; nhân lực logistics thiếu cả về số lượng và chất lượng, Hiệp hội Logistics Việt Nam, dự báo, đến 2025 Hải Phòng sẽ cần khoảng 369.000 lao động ngành logistics, trong đó có 252.600 lao động đã qua đào tạo; con số này sẽ tăng lên 460.000 lao động vào năm 2030, trong đó có 368.000 lao động đã qua đào tạo. Tuy nhiên, nguồn nhân lực logistics hiện tại của Hải Phòng cũng chỉ đáp ứng khoảng 40-45% nhu cầu thị trường.
Theo định hướng quy hoạch phát triển dịch vụ logistics của Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, thành phố sẽ phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ trong chuỗi logistics, nhằm nâng cao giá trị dịch vụ logistics đối với mỗi tấn hàng hóa thông qua các cảng. Cụ thể, giai đoạn 2020 - 2030, Hải Phòng xây dựng 17 loại hình dịch vụ trong chuỗi hoạt động logistics bao gồm: xếp dỡ, kho bãi hỗ trợ vận tải biển, kho bãi hỗ trợ mọi phương thức vận tải, chuyển phát, đại lý vận tải, đại lý thủ tục hải quan, dịch vụ khác, hỗ trợ bán buôn, vận tải dịch vụ biển, vận tải dịch vụ đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không, vận tải đa phương thức, kiểm định, dịch vụ hỗ trợ vận tải…
UBND thành phồ chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, quốc tế hiện đại
Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị đã xác định “đến năm 2025, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc gia” và “đến năm 2030, thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao”. Trong bối cảnh đó, thành phố đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố. Cụ thể, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực cảng biển, logistics. Tăng cường thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, hình thành các chuỗi dịch vụ logistics chuyên sâu, có giá trị gia tăng cao và liên kết vùng.
Đẩy nhanh quy hoạch và xây dựng các khu logistics tập trung, có quy mô lớn, gắn với hệ thống cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng, giao thông trọng điểm, có tính liên kết vùng như: Các bến còn lại của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, nâng cấp hệ thống giao thông kết nối đến các địa phương. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, phát triển một số cơ sở đào tạo nhân lực phục vụ lĩnh vực dịch vụ logistics.
Thu Thảo
Bình luận