Hotline: 0941068156
Thứ tư, 16/04/2025 21:04
Thứ hai, 17/02/2025 06:02
TMO - Xác định chăn nuôi an toàn là hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi, những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi hiệu quả, hạn chế dịch bệnh, đặc biệt chú trọng giám sát chặt chẽ khâu vận chuyển động vật ra, vào tinhr. Đây là bước đi cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành Nông nghiệp của địa phương.
Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang phát triển mạnh chăn nuôi trang trại tập trung quy mô lớn theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, bảo đảm an toàn thực phẩm. Chăn nuôi của Bắc Giang đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng giảm tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng chăn nuôi quy mô trang trại tập trung; chuyển từ sản xuất chăn nuôi sang phát triển kinh tế chăn nuôi.
Từ sản xuất manh mún sang phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Tỉnh chuyển từ chăn nuôi theo phong trào sang chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi khép kín; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua đó, cũng hỗ trợ tỉnh trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, hiện nay, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, tình hình thời tiết đang có diễn biến phức tạp, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi. Cụ thể, thời tiết lạnh, ẩm đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, lây lan. Đồng thời, do hoạt động vận chuyển buôn bán động vật, sản phẩm động vật ra - vào tỉnh phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp lễ hội tăng, người chăn nuôi đang tích cực vào đàn làm tăng nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh động vật. Đặc biệt, tại huyện Hiệp Hoà, vào thời điểm trước Tết Nguyên đán 2025, dịch lở mồm long móng đã khiến hàng trăm con lợn bị chết gây thiệt hại lớn cho người dân.
Do đó, các hộ chăn nuôi cần tăng cường phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi. Theo chia sẻ của một số người dân trên địa bàn xã Lương Phong (Hiệp Hòa), hiện gia đình đang nuôi hơn 500 con lợn. Nằm trong vùng chăn nuôi từng xuất hiện dịch lở mồm long móng, xác định nếu dịch bệnh lây lan vào trang trại sẽ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế nên người dân luôn tuân thủ quy trình bảo đảm an toàn trong chăn nuôi.
Để bảo vệ đàn lợn, các hộ gia đình đã chủ động tiêm vắc-xin lở mồm long móng cho đàn lợn. Đồng thời thường xuyên phun tiêu độc khử trùng, chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, quan tâm đến việc quản lý người, phương tiện ra vào trại, công nhân ăn nghỉ và làm việc tại chỗ, phương tiện vào trại đều phải sát khuẩn. Những tháng gần đây, giá lợn hơi đang ở mức cao, có thời điểm đạt 72 nghìn đồng/kg, người nuôi có lãi lớn.
Đây là điều kiện hấp dẫn để nhiều DN, cơ sở chăn nuôi có mong muốn tái đàn. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn là mối đe dọa thường trực với người chăn nuôi trong tỉnh nên việc tái đàn cần thận trọng và chỉ nên tái đàn khi thực sự bảo đảm an toàn như chuồng, môi trường chăn nuôi đã được vệ sinh khử trùng tiêu độc và tại địa phương không xuất hiện các dịch bệnh. Đối với bệnh lở mồm long móng (LMLM) tại Hiệp Hòa, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với địa phương tổ chức khoanh vùng, khống chế dịch và tổ chức tiêm được 6 nghìn liều vắc-xin phòng dịch, đồng thời dự phòng vắc-xin để hỗ trợ các địa phương khi dịch tái phát.
Ngành chăn nuôi tỉnh Bắc Giang chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, tích cực tiêm phòng vắc-xin cho vật nuôi. (Ảnh minh hoạ: TT).
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), cho biết, các ngành, địa phương và người chăn nuôi cần xác định, công tác phòng bệnh cho động vật theo nguyên tắc “phòng bệnh là chính”, “phòng, chống dịch bệnh trước hết là trách nhiệm của chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi và doanh nghiệp”.
Trước diễn biến dịch bệnh như hiện nay, người chăn nuôi cần áp dụng đồng bộ một số biện pháp như: Che chắn chuồng trại, tránh mưa tạt, gió lùa. Đối với gia súc, gia cầm non phải nuôi trong các chuồng úm được thắp điện sưởi ấm, ít nhất 2 - 4 tuần. Thường xuyên bổ sung hoặc thay mới chất độn chuồng để luôn giữ ấm và khô ráo cho đàn vật nuôi.
Thực hiện nghiêm ngặt lịch dùng vắc-xin theo quy định cho từng loại vật nuôi. Cung cấp đủ thức ăn, nước uống sạch, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa... cho gia súc, gia cầm để nâng cao sức đề kháng. Hằng ngày, kiểm tra theo dõi sức khỏe vật nuôi để phát hiện sớm, phòng trị kịp thời.
Cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh; tổ chức tốt công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm để kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y tại các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nơi buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh và kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường; đẩy mạnh việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết do dịch; ngăn chặn và xử lý nghiêm việc bán chạy, buôn bán, vận chuyển động vật mắc bệnh; vứt xác động vật ra môi trường; tiêm phòng vắc-xin bao vây ổ dịch...
Thời gian tới, ngành chuyên môn của tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học nhằm đưa ngành chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, tập trung, chăn nuôi chuyên nghiệp và phát triển bền vững. Đây cũng chính là những vấn đề và những yêu cầu được đặt ra trong Chiến lược phát triển chăn nuôi của Bắc Giang trong giai đoạn tiếp theo.
Quang Anh
Bình luận