Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 11:11
Chủ nhật, 30/10/2022 05:10
TMO - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có quyết định Phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt trên 5 tỷ USD và đến năm 2030 đạt khoảng 6,5 tỷ USD.
Tại Đề án, sẽ có 14 loại cây ăn quả chủ lực được lựa chọn để tập trung phát triển thời gian tới gồm: Thanh long, xoài, chuối, vải, nhãn, cam, bưởi, dứa, chôm chôm, sầu riêng, mít, chanh dây, bơ và na. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích cây ăn trái cả nước đạt 1,2 triệu ha với sản lượng đạt 14 triệu tấn, trong đó có 14 loại cây ăn trái chủ lực với diện tích đạt 960.000 ha với sản lượng đạt khoảng 11 triệu đến 12 triệu tấn. Đến năm 2030, diện tích cây ăn trái cả nước đạt 1,3 triệu ha, sản lượng trên 16 triệu tấn; trong đó, diện tích 14 loại cây ăn trái chủ lực đạt 1 triệu ha, sản lượng khoảng 13-14 triệu tấn.
Cụ thể, đối với thanh long, định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là giữ ổn định diện tích khoảng 60.000-65.000 ha, sản lượng từ 1,3-1,5 triệu tấn; xoài phát triển khoảng 130.000-140.000 ha, sản lượng từ 1,1-1,5 triệu tấn; chuối đạt khoảng 165.000-175.000 ha, sản lượng từ 2,6-3 triệu tấn.
Đối với cây vải, giữ ổn định diện tích khoảng 55.000 ha, sản lượng từ 330.000-350.000 tấn; nhãn khoảng 85.000 ha, sản lượng từ 700.000-750.000 tấn; cam đạt khoảng 100.000 ha với sản lượng từ 1,2-1,3 triệu tấn; bưởi được định hướng phát triển khoảng 110.000-120.000 ha, sản lượng từ 1,2-1,6 triệu tấn.
Trong 14 loại cây ăn quả chủ lực được lựa chọn để tập trung phát triển, thanh long là loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Với cây dứa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng phát triển khoảng 55.000-60.000 ha, cho sản lượng từ 800.000-950.000 tấn; chôm chôm giữ ổn định diện tích khoảng 25.000 ha, sản lượng 400.000 tấn; sầu riêng có định hướng phát triển khoảng 65.000-75.000 ha, sản lượng từ 830.000-950.000 tấn.
Còn với cây mít, giữ ổn định diện tích khoảng 50.000 ha, sản lượng từ 600.000-700.000 tấn; chanh dây phát triển khoảng 12.000-15.000 ha, sản lượng khoảng 250.000-300.000 tấn; bơ giữ ổn định khoảng 25.000-30.000 ha, sản lượng từ 250.000-300.000 tấn; na giữ ổn định diện tích khoảng 25.000-30.000 ha, có sản lượng từ 220.000-250.000 tấn.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 8 tháng của năm 2022 thanh long là loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt gần 463 triệu đô la Mỹ trong 8 tháng đầu năm nay; chuối xếp thứ hai, đạt 237 triệu đô la Mỹ; thứ ba là sầu riêng, đạt 158 triệu đô la Mỹ. Thứ tư là mít, đạt 104 triệu đô la Mỹ; xoài đứng thứ 5, đạt trên 96,5 triệu đô la Mỹ; chanh dây xếp thứ 7 với kim ngạch đạt 46,4 triệu đô la Mỹ; Vải đứng thứ 8 với kim ngạch 26 triệu đô la Mỹ; bưởi xếp thứ 13, đạt kim ngạch 12,1 triệu đô la Mỹ; nhãn và khóm xếp thứ 15 và 16 với kim ngạch lần lượt đạt 6,7 và 3,2 triệu đô la Mỹ...
Trong 14 cây ăn trái chủ lực được Bộ NN&PTNT chọn tập trung phát triển đến năm 2025 và 2030, có 6 cây ăn trái đã được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ, gồm thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, vải và bưởi. Với thị trường nhập khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Trung Quốc, có 9 loại cây chủ lực nêu trên đã nằm trong danh sách được xuất chính ngạch vào quốc gia này, bao gồm thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, chuối, vải, sầu riêng và chanh dây. Dưa hấu và măng cụt đã được xuất chính ngạch vào Trung Quốc, nhưng không nằm trong danh sách 14 loại được tập trung phát triển thời gian tới.
Để thực hiện có hiệu quả Đề án trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Bảo vệ thực vật chủ trì, phối hợp các địa phương quản lý dịch bệnh trên các loại cây ăn quả; hướng dẫn các địa phương xây dựng mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; phối hợp với các đơn vị thực hiện biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm cây ăn quả.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội tháo gỡ rào cản thương mại, mở rộng thị trường; chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ nông dân vay vốn, xây dựng vùng trồng cây ăn quả tập trung; liên kết thu mua, chế biến sản phẩm theo cơ chế thị trường; thu hút, đầu tư cơ sở chế biến sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh sản phẩm cây ăn quả...
Bên cạnh thị trường trong nước, Bộ sẽ cùng các đơn vị tập trung thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu quả chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời, tiếp tục mở rộng các thị trường: Nhật Bản, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nga, ASEAN, EU, Trung Đông, Bắc Phi...
Thu Hà
Bình luận