Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Thứ tư, 02/11/2022 11:11
TMO - Thời gian qua, cùng với sự phát triển của hoạt động kinh tế-xã hội, lượng chất thải phát sinh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang ngày càng gia tăng, điều này tạo ra sức ép lớn đối với công tác thu gom, xử lý rác thải. Nhằm đảm bảo những mục tiêu về chất lượng môi trường, các chương trình dự án về phân loại rác tại nguồn, tái chế chất thải đã được triển khai tại các địa phương với sự tham gia của nhiều lực lượng.
Mới đây, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức Hội nghị đánh giá tổng kết nhằm đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động của Dự án “Xây dựng mô hình thí điểm về quản lý rác thải tổng hợp nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang".
Dự án do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ, được triển khai thực hiện tại 3 phường: Mỹ An, Khuê Mỹ, Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn); xã Hòa Ninh và xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang). Trong thời gian 18 tháng (tháng 12/2020 đến 9/2022), dự án đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
Điều phối viên UNDP bà Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, trong thời gian qua, các quận huyện đã phối hợp với các chuyên gia tổ chức: 1 lớp tập huấn TOT cho 30 người; 8 lớp tập huấn cho 240 anh chị là cán bộ quân dân chính; 2 lớp tập huấn dành cho thành viên tổ nòng cốt về quản lý rác thải. Tổ chức Ngày hội “Phụ nữ Đà Nẵng - Sống xanh, hành động vì môi trường sạch” và phát động chiến dịch “Phụ nữ làm sạch môi trường biển” năm 2022. Tổ chức “Chương trình đối thoại với phụ nữ buôn bán ve chai” và 7 điểm truyền thông cộng đồng, 1 lớp tập huấn về “Phân loại rác thải và chống rác thải nhựa” cho 70 cán bộ Hội, Chi hội phụ nữ và gần 500 chị em tại cộng đồng khu dân cư.
Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đẩy mạnh triển khai các dự án, chương trình về phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải.
Đồng thời, dự án đã triển khai chương trình cộng đồng quản lý tổng hợp rác thải và nói không với rác thải nhựa góp phần giảm thiểu rác thải đại dương, tại xã Hòa Bắc và Hòa Ninh của huyện Hòa Vang đã thực hiện mô hình “Trồng chuối lấy lá”, mô hình ủ phân compost tại 2 hộ gia đình và 01 khu vực có dịch vụ Homestay, mô hình “Tổ nòng cốt quản lý rác thải”. Tại các phường Mỹ An, Khuê Mỹ và Hòa Hải của quận Ngũ Hành Sơn, triển khai mô hình “Khu du lịch không rác thải nhựa”, mô hình “Tổ nòng cốt quản lý rác thải”, thành lập Câu lạc bộ phụ nữ buôn bán ve chai cấp quận, mời phụ nữ ve chai chia sẻ cách phân loại rác và đại diện người dân tại khu dân cư ký cam kết cùng thực hiện phân loại rác thải.
Hiện các mô hình “Trồng chuối lấy lá” đã được nhân rộng tại các xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang), phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu). Từ những hiệu quả của các hoạt động của dự án, Hội LHPN thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường kêu gọi tổ chức hỗ trợ thực hiện “Sáng kiến huy động CLB Sống xanh tham gia quản lý rác thải tại cộng động trong bối cảnh dịch Covid-19”.
Hội đã thành lập 7 Câu lạc bộ sống xanh, hỗ trợ 14 phương tiện thu gom, phân loại rác thải tại khu dân cư; tổ chức tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội và thành viên nhóm sống xanh. Đồng thời, đề xuất UBND các quận, huyện huy động tổ dân phố, cùng với các tổ chức chính trị-xã hội vận động người dân tham gia thực hiện thu gom rác thải, đưa vào tiêu chí đánh giá xếp loại “Gia đình văn hóa” tại khu dân cư.
Trong khuôn khổ dự án, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố phối hợp các địa phương thí điểm một số mô hình mang lại hiệu quả cao như: khu du lịch không rác thải nhựa; thành lập tổ nòng cốt thu gom rác thải tại khu dân cư; CLB phụ nữ ve chai; thí điểm mô hình trồng chuối lấy lá, sản xuất phân hữu cơ. Đồng thời, cho ra mắt 7 tổ nòng cốt, gồm 116 thành viên là người dân tại khu dân cư. Theo thống kê, các tổ nòng cốt tham gia 30 hoạt động làm sạch bãi biển, tổ chức 85 lượt ra quân dọn vệ sinh. Qua đó, thu gom được hơn 3 tấn rác tài nguyên, góp phần bảo vệ môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp.
Trong thời gian tới, các địa phương hưởng thụ dự án có kế hoạch nhân rộng các mô hình và hoạt động hiệu quả, tiếp tục duy trì thường xuyên các hoạt động thu gom, phân loại rác thải, tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường. Các địa phương, đơn vị có kế hoạch sử dụng hiệu quả và bảo quản các trang thiết bị đã được cấp; đồng thời tranh thủ nguồn báo cáo viên, tuyên truyền viên nòng cốt trong các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Hà, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố, dự án đã góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng, tạo thói quen cho người dân trong việc tham gia phân loại rác thải, giảm thiểu số lượng chất thải rắn sinh hoạt ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường tại địa phương.
Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố bắt đầu phân loại rác tại nguồn rộng rãi từ năm 2019, nhất là sau khi HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 204/NQ-HĐND. Thành phố đã chọn giải pháp phân loại rác phù hợp với năng lực, tình hình của thành phố, với nhóm rác được tuyên truyền phân loại đầu tiên là rác tái chế, tái sử dụng (hay gọi chung là nhóm rác tài nguyên), gồm các loại nhựa, kim loại, giấy. Trong bối cảnh chưa được đầu tư nhiều về hạ tầng, thành phố phấn đấu tiết giảm 22% khối lượng rác sinh hoạt phát sinh hằng ngày thông qua việc phân loại để tách các loại rác tài nguyên.
UBND thành phố Đà Nẵng cho biết trong năm 2021, 100% quận, huyện đã ban hành kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn cho giai đoạn 2019 - 2025 và từng năm, trong đó có 7/7 quận, huyện ban hành kế hoạch thực hiện năm 2022. Đến nay, có 2/7 quận, huyện ban hành quy trình chi tiết thực hiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại trên địa bàn. Có 37 mô hình đã được UBND các quận, huyện và các hội, đoàn thể xây dựng và nhân rộng triển khai thực hiện trong thời gian qua.
Thành phố tiếp tục triển khai các dự án hợp tác quốc tế về phân loại rác tại nguồn.
Trước đó, vào đầu tháng 8, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng phối hợp với Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu Nhật Bản (IGES) khởi động Dự án Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải (3R) giai đoạn 2 (2022- 2024) do cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Dự án gồm các hợp phần thiết lập hệ thống tuần hoàn tài nguyên bền vững cho chất thải rắn đô thị; tăng cường quản lý chất thải rắn đô thị từ phân loại rác tại nguồn đến xử lý và hệ thống tuần hoàn tài nguyên bền vững tại 3 quận Hải Châu, Thanh Khê và Liên Chiểu. Đặc biệt là phương thức quản lý, vận hành các trạm trung chuyển rác và các chính sách thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Triển khai kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố năm 2022, thành phố Đà Nẵng hướng tới mục tiêu 100% quận, huyện, sở, ngành liên quan (ở các lĩnh vực chính gồm: Công nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo, du lịch, dịch vụ) có phương án tổ chức, triển khai chi tiết công tác phân loại, thu gom CTRSH tại nguồn ban hành trong tháng 4/2022. Trên 90% tổ dân phố và 85% hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải tại nguồn hiệu quả tại địa bàn khu dân cư.
Trên 90% cơ sở công nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; trên 70% cơ sở dịch vụ, du lịch đang hoạt động; 100% trường học, cơ sở y tế triển khai phân loại CTRSH tại nguồn theo phương thức chung của thành phố. Trên 80% chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn.
Đặng Văn
(Phóng viên tại Đà Nẵng)
Bình luận