Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 22:01
Thứ tư, 07/02/2024 07:02
TMO - Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc sử dụng các công nghệ năng lượng mới là giải pháp tối ưu giải quyết những vấn đề về môi trường như giảm phát thải, bảo vệ thiên nhiên. Phát triển, ứng dụng công nghệ năng lượng gắn với bảo vệ môi trường thiên nhiên là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại.
Theo dự báo từ các chuyên gia với sự phát triển của đô thị hoá, công nghiệp sản xuất cũng gia tăng, do đó nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay (khoảng 550-600 tỷ kWh điện). Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong sử dụng năng lượng bảo vệ môi trường, công tác giảm khí thải được coi là nhiệm vụ hàng đầu của mỗi cá nhân đơn vị. Ngoài việc đáp ứng những yêu để cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an ninh năng lượng đã được triển khai, trong đó có việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá, nhiều chuyên gia cho rằng muốn phát triển bền vững Việt Nam cần ưu tiên phát triển nguồn năng lượng xanh gắn với bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở Đông Nam Á. Việc ứng dụng công nghệ năng lượng tiên tiến trong tương lai chính là giải pháp cho những vấn đề về ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính…
Việc phát triển các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo, song hành với các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng trở nên quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng, qua đó góp phần từng bước giải quyết bài toán nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng của Việt Nam; giúp đa dạng hóa các nguồn năng lượng, phân tán rủi ro, tăng cường và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích sự phát triển của năng lượng và môi trường tại Việt Nam. Năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2117/QĐ-TTg về Danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó một trong 4 lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ là năng lượng và môi trường.
Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia đều chú trọng vấn đề làm chủ và phát triển ứng dụng công nghệ liên quan đến năng lượng, đặc biệt là các công nghệ mới như hydro, lưu trữ carbon (Ảnh minh họa).
Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định số 2117/QĐ-TTg và các quy định khác của pháp luật liên quan để định hướng, ưu tiên bố trí nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ năng lượng và môi trường.
Bộ KH&CN đã ban hành Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2021-2030 gồm: Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng (KC.05); Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ ngành Công nghiệp Môi trường” (KC.06); Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cơ khí và tự động hóa” (KC.03); Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030, tìm kiếm chuyển giao làm chủ công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Trong các chương trình đó đều chú trọng vấn đề làm chủ và phát triển ứng dụng công nghệ liên quan đến năng lượng, đặc biệt là các công nghệ mới như hydro, lưu trữ carbon.
Tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, trong đó có công nghiệp năng lượng; khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước liên kết, liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thiết bị năng lượng sạch, tái tạo, hệ thống pin lưu trữ, công nghệ và sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, định hướng phát triển ngành công nghệ năng lượng là một trong những ưu tiên hàng đầu. Ở Việt Nam, một số doanh nghiệp có chứng nhận công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất pin, tấm pin năng lượng mặt trời... được hưởng những ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng ban hành nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, tập trung làm chủ công nghệ mới về năng lượng như hydro, lưu trữ carbon, pin...
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường. Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, Việt Nam cần hình thành và phát triển thị trường công nghệ năng lượng tái tạo, tạo sự bình đẳng trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các dự án sản xuất, kinh doanh và dịch vụ năng lượng tái tạo.
Minh Đức
Bình luận