Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 00:11
Thứ sáu, 18/02/2022 16:02
TMO - Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đẩy mạnh việc thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, chế biến, hướng tới xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm chế biến sâu từ cây dược liệu.
Huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị sở hữu lợi thế địa hình được chia thành nhiều tiểu vùng cùng điều kiện tự nhiên phù hợp với các loại cây dược liệu có dược tính cao. Thời gian qua, địa phương này đã chủ động rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp liên doanh, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Mở rộng diện tích vùng trồng chè vằng tại huyện Cam Lộ góp phần gia tăng thu nhập cho người
Theo đó, huyện đã hình thành vùng trồng cây chè vằng, cây cà gai leo theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi sản phẩm OCOP với diện tích gần 80 ha. Năng suất thu hoạch đạt 60 tạ/ha đối với cây chè vằng và 40 tạ/ha đối với cây cà gai leo. Phát triển vùng trồng cây an xoa với diện tích 3,5ha, tiếp tục mở rộng thêm 12ha nhằm đảm bảo nguyên liệu cho việc chế biến, xuất khẩu.
Thông tin từ UBND huyện Cam Lộ cho biết, cùng với việc tận dụng lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu, người dân còn tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên các loại cây dược liệu trên địa bàn huyện đều phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như cây chè vằng, cà gai cho thu nhập khoảng từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.
Từ cây an xoa các doanh nghiệp chế biến sản phẩm dược liệu trên địa bàn đã xuất khẩu nhiều tấn cao an xoa sang thị trường Mỹ
Đối với cây an xoa, nhờ liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn, hiện nay hơn 2 tấn cao an xoa đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ với giá 1,7 triệu đồng/kg. Đặc biệt đối với cây quế, người dân hiện đang trồng thử nghiệm theo liên kết dự kiến sau 4 - 5 năm sẽ cho thu hoạch và ước tính một chu kỳ thu hoạch có thể cho thu nhập lên đến 1 tỉ đồng/ha.
Hiện nay, trên đia bàn huyện có trên 22.000 ha đất quy hoạch lâm nghiệp, hàng năm diện tích rừng khai thác và cao su đến thời hạn thay thế khoảng 1.500 ha. Do vậy, định hướng của huyện là sẽ dần chuyển đổi diện tích rừng trồng đã khai thác và cao su hết thời hạn khai thác sang trồng quế hữu cơ tập trung.
Mô hình trồng thử nghiệm cây quế tại huyện Cam Lộ
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, kết quả khảo sát, điều tra trên địa bàn tỉnh bước đầu đã thống kê được hơn 230 loài cây dược liệu. Phân bố trên diện tích hơn 3.555ha, tập trung phần lớn ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh.
Trong đó, có khoảng 40 loài dược liệu đã được nghiên cứu ứng dụng, mở rộng quy mô sản xuất, khai thác trong tự nhiên để chế biến và tiêu thụ cùng với hàng trăm loài dược liệu được người dân thu hái để làm thuốc như cây ba kích tím, sa nhân tím, quế, đẳng sâm, lan kim tuyến, chè vằng, sả, nghệ, đinh lăng, cà gai leo, sâm bố chính…
Một số loài có trữ lượng lớn như nghệ hơn 1.234 tấn/năm, đinh lăng hơn 175 tấn/năm, gừng 413 tấn/năm, sả 2.464 tấn/năm, sắn dây 350 tấn/năm, tinh dầu tràm 2.500 tấn lá/năm (tương đương 4.600 lít dầu tràm/năm). Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến hiện đã tạo ra các sản phẩm dược liệu với số lượng lớn như tinh bột nghệ, tinh dầu sả, tinh dầu tràm, cao an xoa, cao lá vằng, chè vằng hòa tan, cao cà gai leo, trà cà gai leo... được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhằm phát huy những giá trị từ phát triển cây dược liệu, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị đang xây dựng đề án khuyến khích phát triển cây dược liệu gắn với sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Huy Toàn
Bình luận