Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ bảy, 17/12/2022 06:12
TMO - Tại Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học (COP15) đang diễn ra tại Canada, nỗ lực bảo tồn hệ sinh thái toàn cầu đã nhận được động lực mới sau khi có thêm 6 nước phát triển cam kết tăng các khoản hỗ trợ tài chính cho các nước thu nhập thấp hơn để giải quyết vấn đề này.
Theo đó, Australia, Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha và Mỹ đã đưa ra cam kết tăng viện trợ tài chính hỗ trợ các nước thu nhập thấp bảo tồn hệ sinh thái. Trước đó, Pháp, Đức, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada đều điều chỉnh tăng cam kết viện trợ. Đức đã cam kết tài trợ 1,5 tỷ euro mỗi năm cho đa dạng sinh học quốc tế - tăng hơn gấp 2 lần so với các cam kết hiện tại. Canada nhấn mạnh đến cam kết bảo vệ và bảo tồn ít nhất 30% lãnh thổ đất liền và đại dương của nước này trước năm 2030.
Những cam kết trên được đưa ra trong bối cảnh hàng chục quốc gia đang phát triển trong đó có Brazil, Ấn Độ, Indonesia và nhiều quốc gia châu Phi đang tìm kiếm nguồn tài trợ tham vọng hơn từ các nước giàu cho đến năm 2030 là 100 tỷ USD/năm, tương đương 1% GDP toàn cầu, so với mức hiện nay là khoảng 10 tỷ USD/năm.
Tại COP15 đã có thêm 6 quốc gia cam kết tăng các khoản hỗ trợ tài chính trong nỗ lực bảo tồn hệ sinh thái toàn cầu
Các nước đang phát triển cũng muốn có một quỹ đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) mới để hỗ trợ các nước này thực hiện được các mục tiêu đề ra, ví dụ như thành lập các khu bảo tồn. Tuy nhiên, vấn đề này đang vấp phải sự phản đối của các nước phát triển. Thay vào đó, những nước giàu có đề xuất đảm bảo cơ chế tài chính hiện tại dễ tiếp cận hơn.
Theo báo cáo năm 2021 của Diễn đàn kinh tế thế giới, hiện có khoảng 17% lãnh thổ thế giới được bảo vệ, nhưng chỉ 7% đại dương toàn cầu được bảo tồn một phần và chưa đến 3% được bảo vệ ở mức cao. Các nhà kinh tế nhấn mạnh, để đảo ngược sự suy giảm đa dạng sinh học vào năm 2030, thế giới cần chi 967 tỷ USD mỗi năm, cao hơn con số hiện tại là hơn 800 tỷ USD một năm.
Minh Châu
Bình luận