Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ bảy, 05/11/2022 12:11
TMO - Cùng với việc triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng môi trường tổng thể trên địa bàn, thời gian qua UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí, qua đó đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Trung tâm Công nghệ Môi trường, sau thời gian khảo sát, thu mẫu đánh giá hiện trạng, chất lượng môi trường không khí tại các khu vực trung tâm, nút giao thông, các khu kinh tế, cụm công nghiệp, làng nghề, bãi chôn lấp, bãi rác, khu vực khai thác khoáng sản, khu chăn nuôi… kết quả cho thấy chất lượng môi trường không khí xung quanh trên địa bàn tỉnh Bình Định ở mức khá tốt, một số khí như: CO, NO2, SO2 ở mức giá trị tương đối nhỏ và thấp hơn rất nhiều so với QCVN.
Xây dựng không gian xanh, kiểm soát nguồn khí thải từ hoạt động giao thông là nhiệm vụ được địa phương này chú trọng triển khai
Tuy nhiên, tỷ lệ nồng độ bụi của các nguồn phát thải chính ở nhiều vị trí tại các nút giao thông ngã 5 Đống Đa, giao QL19B và khu Trung tâm thương mại Bắc sông Hà Thanh, ngã 3 Cầu Gành huyện Tuy Phước… có tổng bụi lơ lửng vượt từ 1 - 1,6 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí xung quanh - QCVN 05:2013/BTNMT; cụm công nghiệp Gò Đá Trắng (TX An Nhơn) có hàm lượng bụi cao hơn QCVN đến 1,34 lần; khu vực khai thác đá núi Sơn Triều (thị xã An Nhơn) phát thải bụi vào không khí ở mức tương đối cao…
Trước đó, tại quy định phân vùng phát thải và xả thải trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Định xác định 05 vùng môi trường không khí. Trong đó, vùng 1 gồm nội thành đô thị loại I (16 phường thuộc TP Quy Nhơn) và khu vực có rừng đặc dụng, di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng áp dụng hệ số thấp nhất (yêu cầu cao nhất). Vùng 2 là các đô thị loại II; vùng 3 gồm các đô thị loại III; vùng 4 gồm các đô thị loại IV; vùng 5 là vùng nông thôn miền núi, áp dụng hệ số cao nhất.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hoạt động công nghiệp khác có phát sinh khí thải được cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng hệ số vùng (khu vực ứng với địa điểm đặt cơ sở phát thải khí thải được quy định tại các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường do cơ quan có thẩm quyền ban hành) lớn hơn hệ số vùng trong Quyết định số 68/2021/QĐ-UBND thì phải áp dụng hệ số vùng theo quy định mới chậm nhất trong thời gian 6 tháng, kể từ ngày 22/11/2021.
Bên cạnh đó, nhằm kiểm soát hiệu quả chất lượng môi trường không khí, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND với mục tiêu quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải và giám sát chất lượng không khí xung quanh nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Cụ thể kiểm soát tốt các nguồn khí thải, tập trung vào nguồn khí thải công nghiệp, năng lượng lớn, xây dựng và giao thông, đến năm 2025 đảm bảo phải đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục đáp ứng quy định kỹ thuật về quan trắc môi trường.
Tỉnh Bình Định tăng cường kiểm soát nguồn khí thải tại các KCN, sản xuất hướng đến mục tiêu xây dựng các KCN xanh
Thực hiện việc kiểm kê khí thải cho 40% cơ sở chế biến gạch, lâm sản, chế biến thức ăn gia súc; Đầu tư thiết bị đo đạc bụi mịn và triển khai các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm bụi mịn (PM10 và PM2.5) tại các nguồn thải chính (tập trung vào nguồn công nghiệp, giao thông và xây dựng); Hoàn thành việc thực hiện Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố”; Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 01/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô 2 bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
Ngoài ra, kế hoạch còn đề ra các nhiệm vụ và giải pháp như: hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng không khí; Nâng cao năng lực về quản lý chất lượng không khí; Phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải; Hoàn thiện cơ chế tài chính, đa dạng hóa nguồn lực cho lĩnh vực quản lý chất lượng không khí; Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; Tuyên truyền, giáo dục và nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý chất lượng không khí.
Trên cơ sở đề xuất của Sở TN&MT và các đơn vị chuyên môn khác, Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh ưu tiên và triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất và hiệu quả sử dụng nhiên liệu trong các ngành công nghiệp nhằm giảm thiểu phát sinh khí thải. Ứng dụng khoa học công nghệ và thông tin trong quản lý, quan trắc tự động môi trường không khí.
Sở TN&MT đang lập Dự án đầu tư trang bị các thiết bị đo bụi mịn PM10 và PM2.5. Sở cũng yêu cầu các KCN, CCN, cơ sở sản xuất, kinh doanh có lưu lượng khí thải lớn phải lắp đặt và vận hành thiết bị quan trắc khí thải tự động, đây là giải pháp mới triển khai để phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải. Giai đoạn từ năm 2021 - 2030, Sở tập trung ưu tiên đầu tư 6 trạm quan trắc môi trường tự động; trong đó: 2 trạm quan trắc tự động môi trường không khí tại TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước; 2 trạm quan trắc tự động môi trường nước mặt tại sông Côn và sông Hà Thanh; 1 trạm quan trắc tự động môi trường nước ngầm tại xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) và 1 trạm quan trắc tự động môi trường nước biển tại TP Quy Nhơn.
Lê An
Bình luận