Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ năm, 06/07/2023 13:07
TMO - Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước sức ép tăng trưởng kinh tế trong nước chậm lại, xuất khẩu còn khó khăn, ngành Nông nghiệp tiếp tục tận dụng cơ hội chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Ngành Nông nghiệp trong nửa đầu năm 2023 tiếp tục có mức tăng trưởng tốt với GDP đạt 3,07%. Trước sức ép tăng trưởng kinh tế trong nước chậm lại, xuất khẩu còn khó khăn do nhu cầu tiêu dùng phục hồi chậm và có dấu hiệu suy thoái, ngành nông nghiệp tiếp tục tận dụng cơ hội chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Theo đánh giá của Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) do điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất hầu hết các cây trồng chủ lực tăng khá đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nhiều diện tích lúa kém hiệu quả được người dân và địa phương chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao hơn.
Sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, trong đó cà phê là một trong 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Ảnh: HL.
Giải pháp cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên thiên nhiên và vật tư đầu vào cũng được địa phương đẩy mạnh phổ biến, áp dụng. Do đó, dù diện tích lúa giảm, nhưng năng suất tăng nên sản lượng lúa vụ Đông Xuân vẫn cao hơn so với năm 2022 (gần 20 triệu tấn, tăng 1,2%). Nhiều diện tích cây ăn quả được thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam và tăng kim ngạch xuất khẩu. Qua đó, góp phần định hướng người nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn, sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường.
Chăn nuôi tăng trưởng tốt là động lực đóng góp chung vào tăng trưởng của ngành. Trong đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định nhờ dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Nhưng giá các loại sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt lợn hơi vẫn ở mức thấp đã ảnh hưởng đến tốc độ tái đàn và thu nhập của người chăn nuôi.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm nông sản chính 12,79 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng 26,5%; thuỷ sản 4,13 tỷ USD, giảm 27,4%; lâm sản chính 6,5 tỷ USD, giảm 28,2%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá trị sản xuất NLTS 6 tháng đầu năm ước đạt 3,1%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14% (trồng trọt tăng 2,11%, chăn nuôi tăng 4,88%), lâm nghiệp tăng 3,43%, thủy sản tăng 2,96%. Tốc độ tăng GDP ngành NLTS 6 tháng đầu năm khá cao, đạt 3,07%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14%; lâm nghiệp tăng 3,43%; thủy sản tăng 2,77%.
Đặc biệt, xuất khẩu rau quả đã đạt 2,75 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay. Nếu 6 tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả tiếp tục giữ được nhịp độ thì dự báo cả năm nay, xuất khẩu rau quả sẽ đạt trên 5 tỷ USD. Nếu làm tốt khâu giống, chế biến sâu, mở rộng thị trường, trong tương lai xuất khẩu rau quả có thể sớm đạt con số 10 tỷ USD.
Khó khăn từ thị trường tiêu thụ, cùng thách thức từ tác động của giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; thời tiết diễn biến bất thường, El Nino nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất… nhưng ngành Nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành năm 2023 đạt từ 3 - 3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từ 54 - 55 tỷ USD.
Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Ngành tiếp tục thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành, ngành nông nghiệp đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh từ khâu đầu tư, nghiên cứu chọn tạo giống đến xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ xuất khẩu ngày càng tốt hơn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng địa phương điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất lúa; sản xuất lúa vụ Hè Thu, vụ Thu Đông và vụ Mùa phù hợp với diễn biến thời tiết và thị trường. Đặc biệt đối với cây ăn quả chủ lực như thanh long, nhãn, sầu riêng, xoài, chôm chôm... ở Đồng bằng sông Cửu Long để có chỉ đạo rải vụ phù hợp, tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận.
Nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn từ các vấn đề nội tại và các yếu tố khách quan, như: Nguồn tài nguyên cạn kiệt, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới. Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao với mật độ dày đặc của các nhà màng, nhà lưới, nhà kính... cũng đã làm thay đổi không gian sinh thái, giảm màu xanh thiên nhiên, gây hiệu ứng nhà kính, cũng như ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị...
Do đó, chuyển đổi từ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp hướng tới những“giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”, ngành Nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh thực hiện sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường; phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn liền với bảo tồn tài nguyên và thích ứng với biến đổi khí hậu theo quan điểm của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để vừa phát triển nền nông nghiệp xanh, vừa đẩy mạnh đưa nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam tiến sâu vào các thị trường nhập khẩu, nền nông nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi hướng tăng trưởng dựa trên đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị. Theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tích hợp đa giá trị là tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác, trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp diện tích và chịu tác động từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.
Tích hợp đa giá trị là tạo ra giá trị tăng thêm dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thay cho thực trạng ngành nông nghiệp tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên thiên nhiên. Tích hợp đa giá trị là kết tinh tài nguyên bản địa, với các kỹ thuật, công nghệ chế biến tiên tiến, và cả những bản sắc văn hoá - xã hội, tạo thành thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Tích hợp đa giá trị là kết nối hài hoà nông nghiệp truyền thống với các mô hình nông nghiệp hữu cơ, thông minh, tuần hoàn,...
Tiếp tục triển khai những kết quả đã đạt được, trong năm 2024 ngành Nông nghiệp hướng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh. Phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Trong đó, tốc độ tăng GDP nông lâm thủy sản 2,5% - 3,0%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp từ 2,7% - 3,2%; Tỷ lệ che phủ của rừng duy trì ổn định 42%...
Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng lợi thế từng vùng, từng địa phương...
Lê Hồng
Bình luận