Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 01:11
Thứ năm, 29/09/2022 20:09
TMO – Ứng dụng công nghệ có thể coi là then chốt trong việc thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là việc truy xuất nguồn gốc nông sản minh bạch để đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, với hạ tầng và nguồn lực của nhiều địa phương, HTX còn hạn chế, thì việc tiếp cận công nghệ vẫn còn nhiều khoảng cách.
Theo các chuyên gia, do quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, nên việc quản lý, kiểm soát việc đảm bảo an toàn thực phẩm đang gặp không ít khó khăn, chẳng hạn như việc quản lý từng hộ sử dụng vật tư, sử dụng hóa chất cấm trong nông nghiệp. Đã có nhiều vụ việc về mất an toàn nông sản làm giảm uy tín, giá trị của nông sản Việt nói chung khiến cho khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp cũng bị kém đi. Không những vậy, chủng loại sản phẩm nông nghiệp còn chưa đa dạng, chất lượng thấp, kích cỡ không đồng đều, thiếu nhãn mác để nhận diện, chưa có truy xuất nguồn gốc minh bạch, chưa có thương hiệu mạnh trên thị trường...
Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các địa phương, nhóm công nghệ canh tác, nuôi trồng, bảo quản chiếm phần lớn trong số các công nghệ được các HTX áp dụng hiện nay, dao động từ 78-85% số HTX ứng dụng, với tốc độ tăng bình quân 74,1% trong giai đoạn 2016-2020.
Ứng dụng công nghệ số giúp thúc đẩy phát triển bền vững ngành nông nghiệp.
Cùng với đó, số lượng HTX ứng dụng công nghệ sinh học tăng từ 17 HTX năm 2016 lên 100 HTX năm 2020, với tốc độ tăng 55,7%. Số lượng HTX ứng dụng công nghệ tự động hóa cũng tăng đáng kể, từ 17 HTX năm 2016 lên 151 HTX năm 2020, với tốc độ tăng 72,6% trong cùng giai đoạn, chiếm 8,8% tổng số HTX ứng dụng công nghệ cao.
Ứng dụng công nghệ tự động hóa chủ yếu là công nghệ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản lúa; công nghệ tưới kết hợp bón phân tự động sử dụng các loại cảm biến phần mềm và ứng dụng trên điện thoại di động để theo dõi các thông số kỹ thuật liên quan đến cây trồng, điều khiển tưới tiêu, bón phân từ xa cho cây trồng; hệ thống máng ăn, uống, điều chỉnh nhiệt độ và làm mát tự động cho hệ thống chuồng trại trong chăn nuôi.
Đặc biệt, về loại công nghệ ứng dụng trong từng khâu, hầu hết các HTX ứng dụng trong khâu sản xuất và bảo quản (98,3%), 48,3% HTX ứng dụng công nghệ vào khâu tiêu thụ. Số HTX ứng dụng công nghệ vào khâu chế biến còn hạn chế, khoảng 16,7%. Với nhu cầu phát triển mạnh, thậm chí một số HTX đã gắn chip trên cây trồng, vật nuôi, tuy nhiên công nghệ này còn ứng dụng hạn chế, với 5% HTX ứng dụng.
Tuy nhiên, cũng theo số liệu tổng hợp của Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), về sơ chế, bảo quản và chế biến, chủ yếu các HTX hiện nay đều sơ chế thủ công. Số lượng HTX ứng dụng công nghệ sơ chế tự động còn hạn chế, chỉ chiếm 10%. Khoảng 63,3% HTX có kho lạnh bảo quản nông sản. Số lượng HTX ứng dụng công nghệ cao trong chế biến còn rất thấp, chỉ 16,7% HTX được điều tra có dây chuyền chế biến, và các loại nông sản được chế biến chủ yếu là cà phê, sữa, lúa gạo, thịt lợn, trái cây (hồng, chuối, cam).
Trong khâu tiêu thụ, khoảng gần một nửa số HTX điều tra (48,3%) ứng dụng công nghệ QR truy xuất nguồn gốc nông sản. Trong đó chỉ khoảng 10% HTX có truy xuất nông sản đến cấp độ hộ thành viên, còn lại hầu hết mới chỉ truy xuất đến cấp độ các HTX. Các sản phẩm nông sản sử dụng tem truy xuất nguồn gốc chủ yếu là trên sản phẩm rau các loại, trái cây, cà phê chế biến, lúa gạo chế biến.
Các chuyên gia cho rằng, hạ tầng công nghệ thông tin đang là rào càn lớn nhất cho chuyển đổi số trong nông nghiệp. Điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của HTX hiện nay rất thấp. Nhiều HTX nông nghiệp chưa có thiết bị kết nối mạng, thiết bị an ninh an toàn và mạng nội bộ. Chỉ có khoảng 30% HTX sử dụng máy tính để bàn nhằm phục vụ công tác kế toán, gửi nhận thư điện tử và tham khảo thông tin về sản phẩm, thị trường. Trong đó, rất ít HTX có website để quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại.
Theo chuyên gia, để đáp ứng yêu cầu truy xuất minh bạch, minh chứng độ tín nhiệm của sản phẩm... các ứng dụng cần phải truy xuất được giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện canh tác theo các tiêu chuẩn GAP; cung cấp địa chỉ, như tọa độ, diện tích thực; dán thẻ vị trí cho phép nhập nhật ký đồng ruộng, tránh làm giả thông tin; nhật ký điện tử thao tác thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả; nhật ký cho phép quản lý tới tận hộ, lô, thửa, ô chuồng, lô sản phẩm được cấp mã số riêng… Đặc biệt, phải kết nối những thông tin này vào Mạng truy xuất quốc gia để liên thông nguồn gốc minh bạch cho mỗi lô hàng. EGap có tất cả những yêu cầu này. Cùng với đó, eGap cũng giúp quản lý chặt chẽ các khâu sản xuất, in tem, chống hàng giả.
Quốc Dũng
Bình luận