Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ năm, 29/09/2022 13:09
TMO - Xác định vai trò của rừng trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sinh kế cũng như bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, thời gian qua UBND tỉnh Lâm Đồng đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị đặc biệt là các Hạt Kiểm lâm, các địa phương tiếp tục nâng cao công tác quản lý, bảo vệ rừng nhằm hoàn thành hiệu quả những mục tiêu trong phát triển kinh tế-xã hội mà tỉnh đã đề ra.
Tại báo cáo về tình hình thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và và phát triển rừng 9 tháng của năm 2022, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong tháng 9/2022, toàn tỉnh phát hiện 30 vụ vi phạm về rừng, giảm 4 vụ so với tháng trước; diện tích rừng thiệt hại 0,42 ha, giảm 70%; khối lượng lâm sản thiệt hại 115,8 m3, giảm 17,6%. Cơ quan chức năng cũng đã xử lý hành chính 18 vụ, chuyển cơ quan chức năng xử lý hình sự 2 vụ; tịch thu 15 m3 gỗ tròn/xẻ các loại, và thu nộp ngân sách 310 triệu đồng.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 214 vụ vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng (trong đó đã xác định được đối tượng 156 vụ, chiếm 73%, tăng 6,7% số vụ được phát hiện so với cùng kỳ), giảm 43% so cùng kỳ năm 2021. Diện tích thiệt hại do phá rừng là 29,81 ha, tăng 2,04%; lâm sản thiệt hại 1.176 m3, giảm 19% so cùng kỳ. Đến nay, tổng số vụ đã xử lý 176 vụ (xử lý hành chính 156 vụ, xử lý hình sự 20 vụ); tịch thu 306 m3 gỗ tròn/xẻ các loại, thu nộp ngân sách hơn 2,72 tỷ đồng.
Triển khai phối hợp giữa các lực lượng góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: BLD
Thực hiện Kế hoạch số 75/KH-SNN về việc thực hiện công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, trồng 50 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng của Sở NN&PTNT, đến nay toàn tỉnh đã trồng khoảng 3,15 triệu cây xanh, đạt 48% kế hoạch năm 2022; giao khoán bảo vệ rừng cho 16.738 hộ dân và 41 tổ chức với diện tích 455.086 ha. Công tác phòng chống cháy rừng cũng được đảm bảo, từ đầu năm đến nay xảy ra 41 vụ cháy với diện tích 35,74 ha; các vụ cháy đã được phát hiện và xử lý kịp thời, không gây thiệt hại tài nguyên rừng.
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng trên địa bàn toàn tỉnh, UBND tỉnh Lâm Đồng gần đây đã yêu cầu các đơn vị làm công tác quản lý, bảo vệ rừng hàng năm phải xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng. Các phương án này sẽ được Sở NN&PTNT tỉnh kiểm tra, rà soát, đánh giá sau đó trình UBND tỉnh để phê duyệt và giám sát.
Việc thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Tại tỉnh Lâm Đồng, chính sách chi trả dịch vụ chi trả môi trường rừng đã được thực hiện hơn 12 năm. Có 68 đơn vị chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng gồm 44 nhà máy sản xuất thủy điện, 19 cơ sở sản xuất kinh doanh nước sạch, 5 cơ sở sản xuất công nghiệp. Bình quân tiền dịch vụ môi trường rừng chi 250 tỷ đồng/năm cho 350.000 ha rừng cung ứng của các chủ rừng, chiếm 72% diện tích rừng toàn tỉnh.
Cùng với các giải pháp trong quản lý việc triển khai hiệu quả chi trả DVMTR góp phần nâng cao công tác bảo vệ, phát triển rừng
Để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm hành vi phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, giữ vững trật tự kỷ cương pháp luật cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển lâm nghiệp bền vững; Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện ký kết phối hợp tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với các tổ chức đoàn thể xã hội, qua đó lồng ghép tuyên truyền, nâng cao hiệu quả của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh thông qua các tổ chức chính trị, xã hội.
Nhằm tiếp tục giữ vững và phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác bảo vệ phát triển rừng thời gian qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị thời gian tới, lực lượng kiểm lâm cho biết sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, tập trung tuyên truyền có chiều sâu và phổ biến sâu rộng Luật Lâm nghiệp; triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10 của Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của cấp trên về quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Đồng thời, phối hợp giải tỏa và trồng lại rừng trên toàn bộ diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm mới; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phấn đấu trong năm 2022 này, phải giảm 20% trở lên và diện tích rừng và khối lượng lâm sản thiệt hại so với năm 2021; số vụ không phát hiện đối tượng vi phạm giảm dưới 15% và đặc biệt sẽ tiếp tục đôn đốc chủ rừng trồng rừng để tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Minh Phương
Bình luận