Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ bảy, 29/06/2024 06:06
TMO - Chính phủ Đan Mạch cho biết sẽ áp thuế khí thải CO2 đối với ngành chăn nuôi từ năm 2030 sau khi đạt được thỏa thuận trên quy mô lớn với giới nông dân, đại diện ngành, nghiệp đoàn lao động và các tổ chức bảo vệ môi trường.
Với quyết định này, Đan Mạch là quốc gia đầu tiên thực hiện việc đánh thuế nguồn phát thải từ chăn nuôi. Theo Bộ trưởng Thuế Jeppe Bruus, loại thuế mới dự kiến sẽ đóng góp đáng kể vào mục tiêu của đất nước là giảm 70% lượng khí thải so với mức năm 1990 vào cuối thập kỷ này, cũng như cuối cùng đạt được mục tiêu trung hòa carbon.
Cụ thể, người chăn nuôi người chăn nuôi sẽ đóng thuế 300 kroner (43 USD) mỗi tấn CO2 tương đương, quy đổi từ metan. Thuế này tăng lên 750 kroner (108 USD) vào 2035. Tuy nhiên, do được khấu trừ thuế thu nhập 60% nên số tiền thực đóng là 120 kroner (17,3 USD) mỗi tấn vào 2030 và tăng lên 300 kroner vào 2035.
Ảnh minh họa.
Biện pháp thuế mới dự kiến sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến những người chăn nuôi bò sữa, vì trung bình một con bò ở Đan Mạch tạo ra khoảng 6 tấn CO2 tương đương mỗi năm, còn lợn và cừu thải ra ít khí hơn đáng kể. Theo Cục Thống kê Đan Mạch, Đan Mạch là nước sản xuất chăn nuôi lớn, với số lượng gia súc hiện tại ở mức gần 1,5 triệu con. Như vậy, Đan Mạch sẽ thu về hơn 400 triệu USD tiền thuế carbon từ gia súc mỗi năm.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, chăn nuôi có tác động đặc biệt lớn, chiếm khoảng 12% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2015. Một phần ô nhiễm này đến từ khí metan - một loại khí làm nóng hành tinh mạnh do bò và một số động vật khác tạo ra thông qua phân và ợ hơi của chúng. Trước Đan Mạch, New Zealand từng thông qua dự luật thuế carbon nông nghiệp tương tự, định áp dụng vào 2025. Nhưng chính sách này vừa bị xóa bỏ hôm 26/6 do những nông dân chỉ trích gay gắt và nội các thay đổi sau cuộc bầu cử 2023.
Thùy Vân
Bình luận