Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 18:11
Thứ ba, 03/01/2023 12:01
TMO - Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường triển khai các giải pháp chủ động cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường hàng hóa và giá cả nhằm bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với các mặt hàng thiết yếu trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Căn cứ vào quá trình triển khai thực hiện qua các năm, các nhóm hàng cần tập trung cân đối cung cầu, ổn định thị trường bao gồm: Nhóm lương thực, thực phẩm: gạo, nếp, các loại đậu, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, trứng gia cầm; các sản phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm; rau củ quả; các sản phẩm chế biến từ rau củ; dầu ăn, nước chấm, đường…Nhóm hàng có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết Nguyên đán như: Mứt các loại, các loại hạt (hạt dưa, bí, dẻ…), bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát…
Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Định, hằng năm vào thời điểm cuối năm và nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán giá cả thị trường luôn có sự biến động, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, rau củ quả do nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân tăng cao hơn so với những tháng bình thường. Dự kiến dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán (tháng Chạp âm lịch và 02 tuần lễ sau Tết Nguyên đán) nhu cầu của người dân về hàng hóa tăng rất cao (tăng khoảng 15-20% so với ngày thường) nhất là ở khu vực đô thị, các thị trấn, trung tâm xã sẽ tạo đòn bẩy đẩy giá tăng mạnh đối với các loại hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa tiêu dùng. Sức mua tăng cao dẫn đến khả năng có sốt hàng hóa ảo, tạo đà tăng giá.
Dự báo nhu cầu tiêu dùng, khả năng cung ứng và mức độ biến động giá của một số nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh thời điểm trước, trong và sau Tết Quý Mão như sau: Đối với mặt hàng gạo nhu cầu tiêu dùng khoảng 25.278 tấn. Nguồn cung mặt hàng gạo do hệ thống phân phối đến người tiêu dùng qua các siêu thị, đại lý, cửa hàng bán lẻ của các doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp chuyên doanh, hộ kinh doanh gạo. Dự báo thời điểm trước Tết Nguyên đán giá cả tăng nhẹ, tập trung vào các mặt hàng gạo đặc sản và gạo nếp ngon. Mức giá dự kiến tăng khoảng 1-2%.
Dự báo nhu cầu nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao hơn vào thời điểm cuối năm và nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Thịt lợn: nhu cầu tiêu dùng khoảng 2.714,98 tấn. Tháng 01/2023, sản lượng thịt lợn xuất chuồng trên địa bàn tỉnh ước đạt 14.589 tấn hơi, đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu thị trường. Dự báo thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán giá bán có thể tăng từ 8-10%.Thịt bò: nhu cầu tiêu dùng khoảng 1.131,24 tấn. Tháng 01/2023, sản lượng bò xuất chuồng trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.416 tấn hơi, đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu thị trường của tỉnh. Dự báo thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán giá bán có thể tăng từ 8-10%
Thịt gà, vịt: nhu cầu tiêu dùng khoảng 904,99 tấn. Tháng 01/2023, sản lượng thịt gà, vịt xuất chuồng ước khoảng 2.297,81 tấn hơi, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu thị trường. Dự báo thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán giá bán có thể tăng từ 10-15%.Thủy hải sản: nhu cầu tiêu dùng khoảng 2.230 tấn. Tháng 01/2023, sản lượng khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản ước đạt 16.310 tấn, đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu thị trường của tỉnh. Dự báo thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán giá bán có thể tăng từ 10-15%.
Trứng gia cầm: nhu cầu tiêu dùng khoảng 24.000.000 quả. Tháng 01/2023, sản lượng trứng gia cầm có thể cung ứng 48.050.000 quả, đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu thị trường của tỉnh. Dự báo thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán giá bán có thể tăng từ 10-15%Thực phẩm chế biến: nhu cầu tiêu dùng khoảng 758 tấn. Đối với mặt hàng này, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn rất ít, chủ yếu được khai thác từ các địa phương trên cả nước. Rau, củ, quả: nhu cầu tiêu dùng khoảng 25.428 tấn. Nguồn cung trong tỉnh đáp ứng khoảng 30%, chủ yếu khai thác từ nguồn hàng ngoài tỉnh.
Căn cứ vào nhu cầu, xu hướng và tình hình thị trường, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán đảm bảo cung cấp cho hệ thống phân phối và thị trường bán lẻ đã có của doanh nghiệp. Hàng hóa kinh doanh phải đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm, xuất xứ rõ ràng, là hàng hóa sản xuất trong nước.
UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị đảm bảo nguồn cung hàng hóa, bình ổn giá cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới (Ảnh minh họa: QT)
Để triển khai hiệu quả kế hoạch đề ra, đồng thời đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành chức năng các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân phối trên địa bàn tỉnh nêu cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với xã hội, căn cứ theo nhu cầu thị trường, chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa để đảm bảo nguồn hàng ổn định, giá cả bình ổn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Khuyến khích, phát triển hệ thống chuỗi phân phối, các cửa hàng tiện ích, cửa hàng chợ dân sinh, tuyến phố…hưởng ứng tham gia bán hàng bình ổn, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng qua các hình thức online, hotline….- Khuyến khích, vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn hàng Việt, chất lượng cao, giá cả ổn định.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, tranh thủ mọi nguồn lực thực hiện Phương án; vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tham gia bán hàng bình ổn; tăng cường kết nối các đơn vị tham gia bán hàng bình ổn với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để được tiếp cận vốn vay ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác truyền thông, thông tin để Phương án đạt hiệu quả cao; Hỗ trợ truyền thông cho các đơn vị tham gia bán hàng bình ổn để thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, các hành vi đầu cơ, tích trữ, tăng giá bất hợp lý; kiểm soát chặt chẽ chất lượng, giá cả, an toàn thực phẩm… để người tiêu dùng thật sự tin tưởng vào Phương án, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp; kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thanh Nga
Bình luận