Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ bảy, 01/10/2022 06:10
TMO - Nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu cho các dự án trọng điểm sẽ triển khai trên địa bàn tỉnh không bị chậm tiến độ, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá lại trữ lượng tại các mỏ khai thác khoáng sản, trên cơ sở đó xác định lại tổng nguồn, tổng nhu cầu để có giải pháp cân đối phù hợp.
Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, theo Quy hoạch tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt trên địa bàn tỉnh có 60 khu vực quy hoạch khoáng sản với tổng diện tích 1.704,52 ha, trữ lượng 305.050.000 m3, và 242.000 tấn than bùn.
Tuy nhiên, qua kết quả rà soát quy hoạch tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2016-2020 để chuyển qua giai đoạn 2030, hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã loại bỏ ra khỏi Quy hoạch 18 khu vực với diện tích 411,08 ha do khai thác hết trữ lượng hoặc không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, bổ sung thêm vào Quy hoạch 04 khu vực với diện tích 257,6 ha. Như vậy, tổng điểm mỏ dự kiến Quy hoạch cho giai đoạn tới là 46 khu vực với tổng diện tích 1.501,04 ha, trữ lượng 363.387.424 m3.
Nhu cầu vật liệu xây dựng lớn nhưng nhiều điểm mỏ trên địa bàn tỉnh đã khai thác hết công suất và đang lập thủ tục đóng cửa. Ảnh: Hoàng Nhị
Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 27 giấy phép khai thác đá, cát xây dựng và vật liệu san lấp còn hiệu lực. Trong đó, có 15 giấy phép khai thác đá đang khai thác, với công suất gần 5 triệu m3/năm, trữ lượng còn khoảng hơn 100 triệu m3.
Về cát xây dựng còn 2 giấy phép đang còn hiệu lực, với diện tích hơn 21ha, trữ lượng gần 686.000m3 và công suất khai thác là 65.000 m3/năm. Về vật liệu xây dựng san lấp hiện còn 2 giấy phép đang khai thác, với trữ lượng hơn 778 ngàn m3/năm và công suất khai thác là 80.000 m3/năm.
Thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh, thời gian tới Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ triển khai nhiều dự án trọng điểm như: Các dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Vành đai 4, đường ven biển ĐT994, tuyến kết nối đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn từ Quốc lộ 56 đến vòng xoay Quốc lộ 51B, 51C và dự án Trung tâm logistics Cái Mép hạ đang cần nguồn vật liệu rất lớn. Dự kiến về đá xây dựng cần là 4,533 triệu m3; nhu cầu về cát xây dựng 1,113 triệu m3; nhu cầu về vật liệu san lấp (đất và cát san lấp) là 79,466 triệu m3.
Tuy nhiên, đa số các điểm mỏ trên địa bàn tỉnh đã khai thác hết công suất và đang lập thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định. Một số khu vực không còn phù hợp sử dụng để khai thác khoáng sản được chấp thuận chuyển đổi công năng và một số địa phương đề xuất loại khỏi quy hoạch khoáng sản.
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp với các địa phương nghiên cứu đề xuất phương án nguồn cung vật liệu xây dựng
Theo Sở TN&MT, hiện tại, nguồn đá xây dựng được khai thác từ các mỏ được tiêu thụ trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 75%, nguồn cát xây dựng và vật liệu san lấp không nhiều. Hiện nguồn cung vẫn không đáp ứng được so với nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp cho các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.
Do đó, khoảng 25% nguồn vật liệu thiếu hụt phải chuyển từ ngoài tỉnh về cát xây dựng từ Đồng Nai, Bình Thuận; vật liệu san lấp chuyển từ các tỉnh Tây Nam Bộ. Báo cáo của Sở TN&MT, đối chiếu với quy hoạch sử dụng tài nguyên khoáng sản và nhu cầu của các dự án, công trình trọng điểm, giai đoạn 2022-2030 thiếu khoảng 14,59 triệu m3 đất và cát san lấp.
Trước thực trạng trên, Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh từ nay cho đến năm 2030 tiếp tục quản lý khai thác tốt đối với các khu vực, điểm mỏ vật liệu san lấp đã được cấp giấy phép khai thác. Cùng với đó, khẩn trương thực hiện các thủ tục kêu gọi, đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các điểm mỏ còn lại để đáp ứng nhu cầu của địa phương. Để chuẩn bị cho giai đoạn 2031-2050, cần tiếp tục tìm kiếm, thăm dò các khu vực khoáng sản làm vật liệu san lấp mới để bổ sung vào phương án thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Sở Xây dựng đề xuất thêm một số giải pháp bù đắp và thay thế nguồn vật liệu san lấp đang thiếu hụt. Cụ thể, đối với đất đắp nền đường các dự án giao thông, có thể linh hoạt tận dụng vật liệu đất hiện có dọc theo tuyến công trình hoặc khu vực lân cận. Ngoài ra, cũng cần khảo sát nguồn cát nhiễm mặn ngoài biển ở những vùng xa bờ, ngoài phạm vi sóng vỗ, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường, dòng chảy, đường bờ và hoạt động du lịch dọc bờ biển để đưa vào quy hoạch khai thác.
Thu Trang
Bình luận