Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Thứ tư, 20/12/2023 07:12
TMO - Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm của người dân tăng cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh sản xuất, tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, sản lượng nông sản, thực phẩm cung ứng ra thị trường dịp cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán 2024 có thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong tỉnh và cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phố lân cận như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn. Cụ thể, rau, củ quả 200 nghìn tấn, lợn 44,7 nghìn tấn, gia cầm các loại 32,5 nghìn tấn, thịt bò 1,6 nghìn tấn, trứng gia cầm 69 nghìn quả, thủy sản các loại 14,2 nghìn tấn...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 73 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm để cung ứng gạo, rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản an toàn. Các sản phẩm này hầu hết được cung ứng qua hệ thống siêu thị, cửa hàng và chợ kinh doanh thực phẩm an toàn. Việc phát triển các chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn đã góp phần tạo niềm tin của người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Sản lượng nông sản, thực phẩm tại tỉnh cung ứng ra thị trường dịp cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán 2024 có thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh.
Xác định an toàn thực phẩm (ATTP) không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn liên quan chặt chẽ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội, ngay từ đầu năm 2023, tỉnh Bắc Giang đã giao các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các chỉ tiêu về lĩnh vực ATTP.
Theo đó, UBND tỉnh giao 03 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội về ATTP gồm: Tỷ lệ diện tích rau, quả, thủy sản được sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; Tỷ lệ tổng đàn chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP; Tỷ lệ cơ sở thực phẩm được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP so với tổng số cơ sở thực phẩm thuộc diện phải cấp theo quy định cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện.
Tính đến giữa tháng 11/2023, tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội về ATTP. Theo đó, tỷ lệ diện tích rau an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 56%, tăng 6,7% so với năm 2022, đạt 100% kế hoạch năm. Tỷ lệ diện tích sản xuất thâm canh cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP 53,0%, tăng 9,3% so với năm 2022, đạt 100% kế hoạch năm. Tỷ lệ diện tích sản xuất thâm canh thủy sản theo VietGAP đạt 47,6%, tăng 6,3% so với năm 2022, đạt 101,3% kế hoạch năm.
Tỷ lệ tổng đàn chăn nuôi lợn theo VietGAHP đạt 47%, tăng 2,2% so với năm 2022, đạt 100% kế hoạch năm. Tỷ lệ tổng đàn chăn nuôi gia cầm theo tiêu chuẩn VietGAHP đạt 49,0% tăng 2,7% so với năm 2022, đạt 100% kế hoạch năm. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được cấp giấy chứng nhận ATTP đạt 95%, tăng 0,5% so với năm 2022, đạt 100% kế hoạch năm.
Với việc triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo đảm ATTP đã góp phần tích cực trong phòng ngừa các sự cố về ATTP, tăng cường kết nối cung - cầu thực phẩm theo chuỗi giá trị, giúp nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm nông sản của người nông dân; đồng thời, giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn và sức khỏe con người...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 73 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm để cung ứng nông sản an toàn.
Nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn dịp cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, Sở Công Thương đã triển khai kế hoạch bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường vào các dịp cao điểm. Đồng thời chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan theo dõi hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, dự kiến nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ mặt hàng thực phẩm tươi sống để kịp thời chỉ đạo sản xuất, chăn nuôi, đảm bảo đủ sản lượng cung ứng cho thị trường trong các tháng cao điểm trước, trong, sau Tết.
Chủ động thông tin với Sở Công Thương về tình hình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống khi có biến động xảy ra làm giảm nguồn cung thị trường. Trường hợp mặt hàng có nguy cơ biến động mạnh về nguồn cung, thông tin kịp thời và khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm thay thế để đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, giá cả.
Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình trên địa bàn tham gia sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu, hợp tác thương mại nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và tạo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ cho thị trường Tết. Xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, nhất là đối với hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh chủ động liên kết, ký hợp đồng với các trang trại, đơn vị cung ứng để đảm bảo số lượng thực phẩm. Đồng thời chủ động giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất của người dân.
Trước đó, để đáp ứng lượng nông sản lớn như vậy, ngay từ thời điểm tháng 10, các cơ quan chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT đã chủ đông xây dựng kế hoạch chỉ đạo các địa phương, bà con nông dân chủ động tính toán thời vụ và chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ đông, thực hiện tái đàn vật nuôi phù hợp, đồng thời thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh đảm bảo có đủ nguồn nguyên liệu phục vụ nhu cầu thị trường.
Lê Hồng
Bình luận