Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 08:11
Thứ tư, 14/09/2022 11:09
TMO - Một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng sụt lún nền đất ở TP.HCM là do khai thác nước ngầm quá mức. Trước thực trạng này, UBND thành phố đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu giảm khai thác nước dưới đất xuống còn 100.000m3/ngày/đêm vào năm 2025.
Kết quả nghiên cứu của Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam cho thấy, trong hơn 20 năm từ 1999 - 2020 cho thấy giá trị sụt lún bình quân năm cao nhất tại TP.HCM ở mức khoảng 6 cm/năm. Tuy nhiên, hiện nay những khu vực tập trung như các công trình thương mại, tốc độ lún đã lên tới khoảng 7 - 8 cm/năm. Tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng 2 lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm).
Xác định nguyên nhân của việc khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến tình trạng trên, đòi hỏi chính quyền thành phố cần quyết liệt triển khai các giải pháp cấp bách trong đảm bảo đúng lộ trình giảm khai thác nước ngầm trên địa bàn.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sụt lún nền đất kéo theo ngập sâu sau mưa lớn tại TP HCM là do khai thác nước ngầm quá mức. Ảnh: Nhật Thịnh
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 342.657 giếng nước ngầm (bao gồm cả giếng chưa đăng ký). Tính theo số lượng, các giếng nước ngầm hầu hết nằm ở các khu vực đô thị có tình trạng sụt lún nghiêm trọng, là các quận 6, 8, 11, 12, Gò Vấp, Tân Bình và Bình Tân.
Từ cuối năm 2018, Sở TN&MT thành phố đã ban hành Kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất đến năm 2025 nhằm đưa ra các giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước dưới đất gắn với bảo vệ, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, sụt lún đất. Theo lộ trình đến cuối năm 2023 với tổng lưu lượng khai thác còn 150.000 m3/ngày, đến năm 2025, lượng nước ngầm khai thác trên địa bàn thành phố giảm chỉ còn 100.000 m3/ngày đêm.
Thành phố thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác đúng kỹ thuật. Ảnh: Nguyễn Châu
Sở TN&MT thành phố cho biết, với việc triển khai những nhiệm vụ tại lộ trình giảm khai thác nước ngầm đến nay, khối lượng khai thác đã giảm xuống còn 264.581m3/ngày đêm, giảm mạnh so với năm 2018 là 716.581m3/ngày đêm. Trong đó, lượng khai thác nước ngầm hộ gia đình ước giảm còn 235.703m3/ngày đêm (so với kế hoạch là 327.859m3/ngày đêm).
Đồng thời, lượng khai thác nước ngầm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất giảm 28.805m3/ngày đêm (so với kế hoạch là 50.150m3/ngày đêm); lượng khai thác nước ngầm bên ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất (không phải hộ gia đình) giảm 145.220m3/ngày đêm (so với kế hoạch là 138.572m3/ngày đêm).
Ngoài ra, số lượng công trình đang khai thác nước ngầm và quyền cấp phép, sau 4 năm thực hiện giảm cấp phép khai thác theo lộ trình, hiện nay TP.HCM còn 159 công trình, trong đó có 9 công trình (giảm 6 công trình) do Bộ TN&MT cấp phép với tổng lưu lượng 80.980 m3/ngày/đêm và 150 công trình (giảm 416 công trình) do Sở TN&MT TP.HCM cấp phép với tổng lưu lượng 63.445 m3/ngày/đêm.
Tuy nhiên, theo Sở TN&MT TP.HCM, so với kế hoạch đề ra, kết quả giảm khai thác nước dưới đất mới chỉ đạt 73,3%, trong quá trình triển khai, thực hiện giảm khai thác nước dưới đất còn gặp nhiều khó khăn.Theo đó, một số khu vực nguồn nước cấp còn hạn chế, chưa có mạng lưới cấp nước cấp 2, cấp 3 hoặc áp lực nước chưa ổn định; người dân muốn tiết kiệm chi phí khi sử dụng nước và thói quen sử dụng nước hàng ngày.
Quy định đối tượng hộ gia đình sử dụng nước dưới đất không phép xin phép, không phải đăng ký… nên dẫn đến tình trạng khai thác nước dưới đất để sử dụng của người dân vẫn còn phổ biến ở nhiều khu vực các huyện ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn …
Ngoài ra, các công trình khai thác thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT có thời hạn giấy phép từ 5 - 10 năm, lưu lượng cấp phép lớn, do đó sẽ khó khăn để đưa nhóm đối tượng này vào chỉ tiêu giảm hàng năm của thành phố. Trong khi đó, việc khai thác nước ngầm đã giảm vượt yêu cầu chỉ tiêu của thành phố, nhưng vì phải cân đối chung với các công trình khai thác do Bộ TN&MT cấp phép nên tỷ lệ giảm khai thác ở các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra.
Việc đảm bảo cung cấp đủ lượng nước sạch cho người dân góp phần hạn chế khai thác nguồn nước ngầm
Hiện nay, Sở TN&MT đang chủ trì triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, TP. HCM sẽ giảm khai thác nước dưới đất còn 100.000m3/ngày/đêm; đồng thời, thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác đúng kỹ thuật.
Trong năm 2022, TP.HCM đặt ra mục tiêu trong năm 2022 giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch dưới 18,46% và duy trì tỷ lệ 100% hộ dân sử dụng nước sạch. Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung đầu tư mở rộng và cải tạo mạng lưới đường ống cấp nước.
Theo đó, Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức… đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước đến người dân; vận động người dân sử dụng nguồn nước cấp của thành phố; tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng nguồn nước dưới đất có chất lượng không đạt yêu cầu theo quy định; hướng dẫn trám lấp giếng khoan không sử dụng để người dân có thể tự thực hiện.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT cũng kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Tài chính sớm trình thành phố xem xét, chấp thuận chủ trương thực hiện Đề án “hỗ trợ kinh phí trám lấp giếng cho các hộ dân trên địa bàn thành phố”.
Nguyễn Ngọc
Bình luận