Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 19:11
Thứ bảy, 24/09/2022 04:09
TMO - Thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Long An đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo người dân nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý, đảm bảo vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh.
Theo thống kê, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 1.400 trạm cấp nước nông thôn, cấp nước cho 256.283 hộ dân. Tại Long An, Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường được lồng ghép vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã phân bổ 1,7 tỉ đồng hỗ trợ các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách xây dựng nhà vệ sinh hợp vệ sinh.
Theo đó, các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh nhằm nâng cao tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch, nhà vệ sinh và chuồng trại hợp vệ sinh. Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch tại các cơ sở cung cấp nước trên địa bàn được chú trọng thực hiện.
Tỉnh Long An triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận và sử dụng nước sạch
Đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 99,6% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh; 94,62% hộ gia đình sử dụng nhà vệ sinh hợp vệ sinh; 81,86% hộ gia đình có chuồng trại hợp vệ sinh; tỷ lệ xử lý rác hộ gia đình hợp vệ sinh là 88,89%. Năm 2022, UBND tỉnh đề ra một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể như tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 58% trở lên, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 về nước sạch; tỷ lệ hộ dân nông thôn có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 82,5%.
Để nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch trong năm 2022, UBND tỉnh Long An đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động tổ chức, doanh nghiệp, tích cực tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình cấp nước nông thôn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển các dự án nước sạch có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào việc cấp nước nông thôn.
Tiếp tục bố trí nguồn vốn ngân sách cho huyện, xã, vốn doanh nghiệp đầu tư nâng cấp các công trình cấp nước nông thôn hướng tới mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra đến năm 2025 có 65% hộ dân vùng nông thôn sử dụng nước sạch.Việc khai thác nguồn nước mặt xử lý thành nước sạch để phục vụ nhân dân không chỉ góp phần giữ gìn, bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm mà còn góp phần giảm sụt lún đất, hạn chế xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Long An tiếp tục đầu tư thêm 31 công trình nước sạch ở nông thôn để cung cấp nước sạch cho thêm gần 29.000 hộ trên địa bàn. Tổng mức đầu tư chương trình dự kiến hơn 394 tỷ đồng tại các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ, Tân Trụ, Cần Đước và thị xã Kiến Tường.
Tăng cường kiểm tra thường xuyên chất lượng nguồn nước tại các nhà máy nhằm đảm bảo lượng nước đạt tiêu chuẩn
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động giám sát, kiểm tra chất lượng nước các công trình cấp nước nông thôn do doanh nghiệp, tư nhân quản lý; tăng cường xử phạt vi phạm hành chính nhằm chấn chỉnh các cơ sở cấp nước phải nâng cấp, đầu tư hệ thống khử trùng nước đạt chất lượng theo quy chuẩn hiện hành.
Mặt khác, triển khai hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp nước nông thôn giai đoạn 2021-2025.Trong đó, chú trọng xây dựng các công trình có quy mô lớn, liên xã, liên huyện; từng bước xóa bỏ các công trình có quy mô nhỏ, chất lượng nước kém…
Trong thời gian tới, tỉnh khẩn trương tổ chức thực hiện có hiệu quả đồ án điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Long An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trước mắt, rà soát quy hoạch, phân vùng cấp nước phù hợp, tránh xảy ra tình trạng chồng lấn quy hoạch, vùng thừa, vùng thiếu nước.
Ưu tiên kêu gọi vốn đầu tư các công trình cấp nước tập trung, có quy mô lớn, liên xã, liên huyện; đồng thời, bảo đảm nguồn lực cho các công trình cấp nước ở vùng khó khăn mà các thành phần kinh tế không thể hoặc không muốn đầu tư. Cùng với nguồn ngân sách nhà nước, cần đề xuất cơ chế huy động nhiều nguồn lực cùng tham gia thực hiện các dự án cấp nước tập trung. Rà soát, kiện toàn cơ chế phối hợp quản lý trên lĩnh vực cấp nước, bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ chất lượng và an toàn nguồn nước cấp.
Đức Mạnh
Bình luận