Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ ba, 22/11/2022 02:11
TMO - Xác định lâm nghiệp một trong những ngành kinh tế trọng điểm tại địa phương, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng rừng sản xuất, năng suất trồng rừng, đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo chất lượng giống cây lâm nghiệp.
Trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh Quảng Ninh hướng tới mục tiêu ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt 55% và nâng cao chất lượng rừng; ưu tiên trồng rừng gỗ lớn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản; chuyển hóa trên 10.000ha rừng keo gỗ nhỏ trên địa bàn các địa phương: Ba Chẽ, Cẩm Phả, Hải Hà, Hạ Long, Tiên Yên. Trong giai đoạn này, theo ước tính toàn tỉnh sẽ trồng trên 12,4 triệu cây, tương đương diện tích 7.092ha. Cụ thể, gồm gần 4,3 triệu cây phân tán và trên 8,1 triệu cây trồng rừng tập trung. Do đó, để triển khai đảm bảo nguồn giống trồng rừng, tỉnh đã tập trung khai thác nguồn giống từ nhiều nguồn chất lượng cao để cung cấp cho người dân.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, mỗi năm toàn tỉnh cần khoảng 4 triệu cây giống trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; 20 triệu cây giống trồng rừng sản xuất; 3.000 cây phân tán tạo cảnh quan đô thị. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 1 cơ sở sản xuất, nuôi cấy mô và 15 đơn vị có vườn ươm. Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã tham mưu tỉnh xây dựng các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cây giống trên cơ sở bám sát kế hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và định hướng phát triển lâm nghiệp bền vững. Đồng thời, tham mưu tỉnh trong tăng cường công tác bảo tồn các nguồn gen cây trồng trên địa bàn, phục vụ công tác nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất giống.
Chuẩn bị cây giống phục vụ trồng rừng gỗ lớn tại huyện Ba Chẽ. Ảnh: Hoàng Giang
Hiện nay, Trung tâm Khoa học và Sản xuất lâm, nông nghiệp (Sở NN&PTNT) là đơn vị duy nhất trong tỉnh nghiên cứu và sản xuất giống cây lâm nghiệp. Nắm bắt yêu cầu phát triển ngành lâm nghiệp bền vững với hướng trồng rừng gỗ lớn, Trung tâm đang tiến hành nghiên cứu các giống cây bản địa như lim, giổi, lát... để sản xuất, cung ứng giống cây phục vụ cho yêu cầu trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn. Đến hết tháng 10/2022, Trung tâm sản xuất, tiêu thụ trên 2,2 triệu cây mầm, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước.
Để đảm bảo chất lượng cây giống lâm nghiệp, Sở NN&PTNT tiếp tục tập trung thực hiện kế hoạch kiểm tra, kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng và nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn trồng rừng bằng cây giống lâm nghiệp có nguồn gốc, chất lượng. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành cấp cây giống, phân bón cho bà con theo đúng tiến độ, thời vụ trồng rừng. Đồng thời, cử cán bộ xuống cơ sở để hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng. Nhờ kiểm soát tốt chất lượng giống cây lâm nghiệp và nâng cao kỹ thuật trồng rừng, tỷ lệ cây sống đạt khoảng 87-90%.
Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Thực hiện chương trình nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2030. Theo đó, Quảng Ninh hướng tới mục tiêu xã hội hóa công tác sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản, giảm dần tỷ trọng đầu tư phát triển giống từ ngân sách nhà nước. Huy động tối đa các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đầu tư phát triển sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản.
Việc đảm bảo chất lượng nguồn giống cây trồng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế rừng trồng. Ảnh: Nguyễn Thành
Cụ thể, giai đoạn 2022-2025 tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất đại trà phù hợp với điều kiện của từng vùng, nhằm tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành. Lĩnh vực lâm nghiệp: Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận (hoặc tương đương) đạt trên 85%, trong đó 50% giống từ nhân giống sinh dưỡng cho trồng rừng. Ưu tiên đầu tư sản xuất giống cây lâm nghiệp bản địa phục vụ cho trồng rừng gỗ lớn sinh khối tăng trưởng đạt 20 - 25 m3/ha/năm. Giai đoạn 2026 - 2030 Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận (hoặc tương đương) đạt trên 95%, trong đó 50% giống từ nhân giống sinh dưỡng cho trồng rừng. Sinh khối tăng trưởng đạt 30 - 35 m3/ha/năm.
Theo ước tính, nhu cầu giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 khoảng 102.638 ngàn cây (trung bình khoảng 25.660 ngàn cây/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 116.619 ngàn cây (trung bình khoảng 29.155 ngàn cây/năm); trong đó: Cây lim xanh nhu cầu giống là 3.358 ngàn cây đến 557 nghìn cây; Cây lát hoa từ 4.122 ngàn cây đến giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu giống là 1.125 ngàn cây; Cây Giổi nhu cầu giống là 4.380 ngàn cây đến 793 nghìn cây.
Cây các loài ngập mặn: Giai đoạn 2022 - 2025 nhu cầu giống là 1.922 nghìn cây; giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu giống là 644 nghìn cây; Cây gỗ rừng nguyên liệu nhu cầu giống là 74.141 nghìn cây đến 92.004 nghìn cây; Cây phân tán, cây xanh đô thị: Giai đoạn 2022-2025 nhu cầu giống là 3.043 nghìn cây; giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu giống là 4.213 nghìn cây.
Nguyễn Thanh
Bình luận