Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ hai, 24/10/2022 14:10
TMO - Xác định tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất các ngành kinh tế khu vực nông thôn, thời gian qua UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tăng cường công tác chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động phát triển kinh tế tại khu vực này.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 3.580 hộ/cơ sở tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn, được chia thành các nhóm: Chế biến, bảo quản nông thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; sản xuất muối; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống cư dân nông thôn.
Đến nay, đã có 6 nghề và 1 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định công nhận, đó là: Nghề truyền thống bún Long Kiên, rượu Hòa Long (TP Bà Rịa), bánh tráng An Ngãi (huyện Long Điền), bánh hỏi An Nhứt (huyện Long Điền), sò ốc mỹ nghệ phường Thắng Tam (TP Vũng Tàu), sản xuất muối huyện Long Điền và 1 làng nghề truyền thống mới được công nhận là Làng nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi, huyện Long Điền.
Nâng cao chất lượng môi trường tại các làng nghề được UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương chú trọng triển khai. Ảnh: HP
Để duy trì và phát triển nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng dự án bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, thông qua hình thức hỗ trợ máy móc, thiết bị hỗ trợ sản xuất, để cho người dân phần nào giải phóng dược sức lao động; hỗ trợ về xử lý nước thải để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh, các ngành nghề kinh tế nông thôn giữ vai trò quan trọng trong ổn định đời sống của người dân địa phương, đồng thời đóng góp trong phát triển kinh tế chung của các khu vực.Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư tại một số địa phương vẫn còn xảy ra. Trong đó, hoạt động ngành nghề nông thôn cũng đang đối mặt nhiều nguy cơ, thách thức do tình trạng ô nhiễm từ chất thải, nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và trở thành vấn đề bức xúc trong cộng đồng.
Đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị triển khai công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, từ năm 2014 đến nay, chương trình đã lắp đặt được 876 bể chứa, thu gom hơn 28,3 tấn bao gói thuốc BVTV đã qua sử dụng.
Cùng với đó, đơn vị cũng tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả; áp dụng biện pháp công nghệ sinh thái như trồng hoa trên bờ ruộng. Chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường giúp nâng cao nhận thức của nông dân trong việc sử dụng đúng quy cách thuốc BVTV, phân bón và góp phần bảo vệ môi trường.
Công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV được các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ tại các địa phương
Thời gian qua, hoạt động chế biến hải sản tại các cơ sở nhỏ lẻ tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân địa phương và các sở, ban ngành đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở chế biến hải sản vào các cụm công nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp cùng các ngành chức năng, địa phương tuyên truyền những kinh nghiệm hay, phương pháp và cách làm sáng tạo của ngành nghề tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường.
Trong đó, Sở NN&PTNT quán triệt thực hiện nhất quán quan điểm sản xuất, kinh doanh phải gắn với bảo vệ môi trường, tuyệt đối không hy sinh lợi ích môi trường để đạt lợi ích kinh tế trước mắt. Sở cũng sẽ nghiên cứu, ban hành quy định khuyến khích một số ngành nghề phát triển cả về số lượng, quy mô sản xuất nếu bảo đảm các tiêu chí an toàn, thân thiện với môi trường. Đồng thời, xem xét hạn chế hoặc không khuyến khích phát triển một số ngành nghề gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, nghiên cứu, xây dựng các quy trình, biện pháp triển khai xử lý ô nhiễm theo đúng quy định, qua đó góp phần thúc đẩy ngành nghề kinh tế phát triển bền vững.
Minh An
Bình luận