Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 12:11
Thứ bảy, 10/08/2024 07:08
TMO - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị các đơn vị chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.
Theo Cục An toàn thực phẩm, thời điểm Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh trung thu tăng đột biến. Vì vậy, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh bánh trung thu cũng gia tăng nhanh. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn, cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm đề nghị UBND các tỉnh/thành phố và các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.
Cụ thể, triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…
Đồng thời, kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn nhất là cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát.
Cục An toàn thực phẩm cũng đề UBND các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin, giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Nội dung tuyên truyền cho các đối tượng gồm:
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm. Đối với người tiêu dùng: Hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.
Ngoài ra, chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.
UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND, với trọng tâm là việc tuyên truyền, giáo dục người dân về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và thực hành cho người dân trên địa bàn thành phố được coi là ưu tiên hàng đầu. UBND TP.Hà Nội sẽ triển khai nội dung tuyên truyền cụ thể, tới 3 nhóm đối tượng chính là người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.
Đối với đối tượng là các cơ sở sản xuất, thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất bánh kẹo Trung thu, nội dung tuyên truyền xoay quanh các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, cũng như cung cấp kiến thức, kinh nghiệm tới những cơ sở trên. Đặc biệt, cần tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất về các quy định liên quan đến nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, sử dụng phụ gia, hương liệu, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm, công bố sản phẩm, và bảo quản sản phẩm thực phẩm.
Với đối tượng là các hộ kinh doanh bánh kẹo Trung thu, nội dung tuyên truyền xoay quanh các quy định liên quan đến vệ sinh nơi bày bán sản phẩm, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm, công bố sản phẩm. Ngoài ra, các hộ kinh doanh được yêu cầu đảm bảo nơi trưng bày, kinh doanh và bảo quản bánh khô ráo, thoáng mát, tránh để bánh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng và không để cùng các hàng hóa khác. Nghiêm cấm các hộ kinh doanh bán bánh quá hạn sử dụng, bánh mốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngành chức năng TP.Hà Nội đẩy mạnh công tác kiểm tra chất lượng các bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát trong dịp này. Ảnh: HN.
Đặc biệt, đối với đối tượng là người tiêu dùng, UBND TP. Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm. Ngoài ra, cần tuyên truyền cho người tiêu dùng về các cách lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.
UBND Thành phố giao các Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền hình trong Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm Hà Nội tuyên truyền các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm. Sở Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước tăng cường đưa các tin bài mang tính cập nhật về: kết quả thanh tra, kiểm tra; các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm; tin bài cảnh báo mất an toàn cho cộng đồng. Đồng thời, tuyên truyền hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn bánh Trung thu và thực phẩm an toàn.../.
Minh Dũng
Bình luận