Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 11:11
Chủ nhật, 01/05/2022 20:05
TMO - Giai đoạn từ năm 2015-2021, các cơ quan chức năng đã phát hiện, tiếp nhận, lập hồ sơ xử lý 8.782 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Tổng số tang vật tịch thu 12.399 m3 gỗ các loại. Tổng tiền thu sau xử lý 110,5 tỷ đồng.
Tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép ở một số địa phương vẫn còn tiếp diễn, chưa xử lý dứt điểm được khai thác gỗ trái phép. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép diễn biến phức tạp. Công tác trồng rừng, phát triển các mô hình lâm nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Nhiều dự án nông lâm nghiệp bộc lộ những tồn tại, yếu kém. Một số dự án vi phạm pháp luật về đất đai đã bị thu hồi đất rừng, nhiều dự án chậm tiến độ cũng được xem xét, xử lý đề nghị thu hồi. Một số lực lượng bảo vệ rừng còn buông lỏng quản lý, thậm chí thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật, phải xử lý kỷ luật, trong đó có một số trường hợp phải xử lý hình sự.
(Ảnh minh họa)
Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian tới, cả hệ thống chính trị cần tiếp tục triển khai quyết liệt và hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020–2025 và chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo vệ, phát triển rừng; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền và thực hiện đồng bộ của các cấp, ngành.
Chủ động bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước và vốn xã hội hóa cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong điều kiện của tỉnh. Bên cạnh đó, phối hợp giữa các cơ quan trong khối tư pháp và địa phương để thanh kiểm tra, xử lý quyết liệt các vi phạm về Luật Lâm nghiệp với tinh thần không có vùng cấm, ngoại lệ; tạo điều kiện cho dự án thuê đất rừng triển khai và có cơ chế bồi thường thiệt hại, làm rõ trách nhiệm chủ rừng để mất rừng.
Tiếp tục chỉ đạo xử lý tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp trong các Ban quản lý, Công ty lâm nghiệp, dự án nông lâm nghiệp; lập phương án tổng thể đối với diện tích đất bàn giao về địa phương quản lý, giải quyết cho các hộ gia đình không có đất, thiếu đất sản xuất, dân di ngoài kế hoạch, xây dựng công trình công cộng; triển khai thực hiện công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính để cấp đất cho người dân ổn định đời sống. Chỉ đạo hoàn thành việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của các chủ rừng; qua đó mời gọi các nhà đầu tư nghiên cứu lập dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí gắn với thu hút thêm nguồn lực để bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Minh Phụng
Bình luận