Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Thứ ba, 19/07/2022 15:07
TMO – UBND tỉnh Đắk Lắk đang trình HĐND tỉnh xem xét về chính sách hỗ trợ tháo dỡ các lò thủ công trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Nếu được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi trong việc tháo dỡ và tiến tới chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công trên địa bàn.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện còn trên 150 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí; lò vòng, lò vòng cải tiến không sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà sử dụng phế liệu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; trong đó còn hoạt động 132 cơ sở, dừng hoạt động 19 cơ sở, dừng hoàn toàn 1 cơ sở.
Phân loại theo số lò gạch thì đến nay đang tồn tại 386 lò đứng liên tục, trong đó có 350 lò đang hoạt động, 36 lò dừng hoạt động, 4 lò hoffman với 106 cửa lò, gồm 3 lò với 78 cửa còn hoạt động, 1 lò với 28 cửa dừng hoạt động, tập trung chủ yếu ở các huyện Krông Pắc, Krông Bông, Krông Ana, Krông Búk, Lắk, Cư Kuin, Ea Kar.
Việc xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công theo mục tiêu của Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đã được các địa phương trên cả nước triển khai hơn 10 năm nay.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, việc đầu tư sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua đã đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương. Tuy nhiên, việc xóa bỏ lò gạch thủ công còn gặp nhiều khó khăn là do kinh phí đầu tư xây dựng một lò nung gạch đất sét nung kiểu đứng liên tục là khá lớn so với tình hình kinh tế của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, đến lúc này các cơ sở chưa kịp thu hồi vốn đầu tư, chưa khấu hao hết tài sản cố định, rất eo hẹp về kinh tế và không có khả năng tháo dỡ lò gạch...Nếu tháo dỡ lò thủ công mà không được hỗ trợ công tháo dỡ hoặc chuyển đổi sang nghề khác sẽ gây thiệt hại kinh tế cho người dân, cũng như nhiều lao động mất việc làm.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Đắk Lắk, mức hỗ trợ tháo dỡ lò gạch thủ công, đối với lò đứng liên tục kiểu đứng mức hỗ trợ là 38 triệu đồng/1 cửa lò; đối với lò vòng cải tiến, hoffman mức hỗ trợ 4 triệu đồng/1 cửa lò; đối với một số hạng mục khác như hỗ trợ chi phí tháo dỡ mái che phơi gạch mức hỗ trợ là 31.000 đồng/m2; hỗ trợ chi phí tháo dỡ mái che mở rộng chung quanh lò với mức 41.000 đồng/m2; hỗ trợ tháo dỡ các công trình phụ trợ như nhà ở công nhân, nhà vệ sinh, nhà điều hành... với mức hỗ trợ là 248.000 đồng/m2.
Kim Phi
Bình luận