Hotline: 0941068156
Thứ tư, 11/09/2024 21:09
Chủ nhật, 12/05/2024 07:05
TMO - Thành phố Đà Nẵng đang đối mặt với các tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong những năm gần đây, việc xuất hiện những cơn mưa cực đoan ngày càng tăng, gây ngập úng nghiêm trọng tại một số khu vực trên địa bàn thành phố.
UBND TP. Đà Nẵng cho biết, là thành phố ven biển của miền Trung, địa phương đang đối mặt với các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Đặc biệt, những năm gần đây, những trận mưa cực đoan xuất hiện ngày càng tăng. Đà Nẵng đã bị ngập nước trên diện rộng qua 2 đợt mưa lớn xảy ra vào tháng 10/2022 và tháng 10/2023, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và tài sản của nhân dân. Qua những đợt ngập nước, thành phố cũng đã thấy rõ được bất cập về cao trình nền và hệ thống thoát nước của thành phố.
Thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố. Một trong những giải pháp trọng tâm, then chốt mang tính ổn định lâu dài là hoàn thành xây dựng, phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của các quy hoạch liên quan (quy hoạch chung, quy hoạch thoát nước thành phố...) do Ban quản lý (BQL) các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT) ưu tiên đang tổ chức lập đồ án, dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2024.
Những năm trở lại đây, nhiều khu dân cư trên địa bàn thành phố ngập sâu do mưa lớn. Ảnh: KX.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được điều chỉnh sẽ xác định các giải pháp quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt hợp lý và xác định cao trình xây dựng khống chế của từng khu vực xây dựng cụ thể, các đường phố chính cấp đô thị có xét đến tác động biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng theo quy hoạch chung được duyệt. Cùng với đó, xác định chỉ tiêu, thông số cơ bản, các lưu vực thoát nước; mạng lưới thoát nước cấp 1, cấp 2, kênh, hồ điều hòa và các nguồn tiếp nhận khác; vị trí, quy mô các công trình đầu mối tiêu thoát chính; các giải pháp phòng, chống thiên tai có lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.
Đồ án cũng xác định hành lang thoát lũ cho các sông trên địa bàn thành phố ứng với tần suất thiết kế 1%, 2%; xác định cao độ mức nước lũ của các sông ứng với tần suất lũ 1%, 2%, 5%, 10% với bề rộng sông phù hợp; xác định sơ bộ khối lượng đào, đắp của các khu vực. Điều chỉnh quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ là căn cứ pháp lý giúp cho UBND thành phố, các sở, ban, ngành của thành phố quản lý thống nhất và thực hiện đồng bộ các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước theo lộ trình ưu tiên, sát với tình hình thực tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, giảm thiểu ngập úng.
Đồ án này đã cụ thể hóa định hướng thoát nước theo điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời cũng phù hợp các quy hoạch phân khu; quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố và các dự án đầu tư đã được duyệt. Do đó, để đồ án điều chỉnh quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đạt hiệu quả cao đòi hỏi phải thực thi nhiều hoạt động như: Triển khai thực hiện các dự án ưu tiên, kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước đô thị bền vững, đồng bộ và giảm thiểu ngập úng. Từng bước tập trung, giao các công trình liên quan trực tiếp hệ thống thoát nước cho đơn vị đầu mối quản lý hệ thống thoát nước đô thị để chủ động phục vụ công tác tiêu thoát nước đô thị theo quy hoạch.
Xây dựng và áp dụng quy định quản lý đô thị, kiểm tra và giám sát việc thực hiện quy hoạch thoát nước tại các quận, huyện, đô thị. Cùng với đó, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống thoát nước, sử dụng tối đa các nguồn lực khác ngoài vốn ngân sách theo phương thức xã hội hóa như kêu gọi vốn ODA, tăng cường đầu tư theo hình thức BOO, BT, BOT...; và tăng cường năng lực quản lý hệ thống thoát nước cho các đơn vị chuyên ngành thoát nước đô thị về nhân lực, trình độ chuyên môn và trang thiết bị quản lý vận hành.
Thành phố tập trung hoàn thiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sở Xây dựng thành phố cho biết, đồ án thoát nước thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 499/QĐ-UBND ngày 31/01/2018 chỉ tập trung lập quy hoạch thoát nước mặt cho 6 quận nội thành và một phần đô thị huyện Hòa Vang (chưa bao gồm toàn bộ thành phố) trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng cao độ nền đô thị Đà Nẵng.
Qua thực tế hơn 5 năm triển khai thực hiện, một số dự án đã và đang được triển khai thực hiện nhằm đáp ứng giải quyết thoát nước và tình trạng ngập úng của thành phố. Tuy nhiên vì nhiều lý do khách quan, một số nội dung trong quy hoạch vẫn chưa bắt kịp với tốc độ đô thị hoá nhanh chóng của thành phố và hệ thống thoát nước mặt chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn.
Trong giai đoạn gần đây (đặc biệt là trong năm 2022, 2023) tần suất xuất hiện các trận mưa cực đoan có cường độ lớn ngày càng nhiều, hầu như vượt năng lực của hệ thống thoát nước hiện có. Các trận mưa lớn thường xảy ra tại thời điểm điều kiện thủy văn bất lợi, mực nước triều cao nên đã xảy ra tình trạng ngập úng trên diện rộng trên địa bàn thành phố.
Theo đó, nhằm đưa ra các giải pháp về lâu dài nhằm giải quyết căn cơ, toàn diện vấn đề ngập úng ở đô thị Đà Nẵng, trong quá trình thực hiện, Sở Xây dựng đã phối hợp BQL dự án cùng đơn vị tư vấn lập quy hoạch, theo sát quá trình lập đồ án, thường xuyên làm việc, nghe báo cáo về tiến độ và nội dung đồ án, kịp thời xử lý các vấn đề thuộc đồ án quy hoạch với 3 mục tiêu chính.
Cụ thể, xác định được các giải pháp quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt hợp lý, bao gồm: xác định cao độ san nền từng khu vực cụ thể; giải pháp chống ngập úng, ngập lụt; hành lang thoát lũ của các sông; mạng lưới thoát nước mưa; các hồ điều hòa và trạm bơm chống ngập;... cho toàn bộ khu vực nghiên cứu quy hoạch. Góp phần giải quyết tình trạng ngập úng, ngập lụt, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện để phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao điều kiện sống của người dân thành phố.
Đồng thời, làm cơ sở để quản lý nhà nước trong các hoạt động quản lý cao độ nền đô thị; hành lang thoát lũ; chống ngập lụt, ngập úng, thoát nước mặt và đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Định hướng cho việc lập kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm trong quá trình triển khai, thực hiện; giúp cho UBND thành phố, các sở, ban, ngành của thành phố quản lý thống nhất và thực hiện đồng bộ các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước theo lộ trình ưu tiên, sát với tình hình thực tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.
Sở Xây dựng thành phố cho biết, năm 2024 thành phố sẽ tập trung triển khai, mua sắm thiết bị và nâng cao khả năng chống ngập, tập trung nạo vét hệ thống thoát nước và hồ điều tiết. UBND thành phố đã giao cho Ban quản lý hạ tầng KCN và Khu công nghệ cao nghiên cứu tuyến thoát nước theo đường Phùng Hưng (đoạn từ kênh Hòa Minh ra vịnh Đà Nẵng) nhằm giảm tải cho sông Phú Lộc. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh nạo vét, khơi thông, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các tuyến thoát nước chính dở dang, thành phố cần ưu tiên dành nguồn lực triển khai ngay xử lý một số vị trí ngập nặng. Cần đưa một số dự án chống ngập cấp bách vào danh mục công trình trọng điểm trong kế hoạch đầu tư công năm 2024.
Để giải quyết tổng thể tình trạng ngập nước khu vực đô thị Đà Nẵng, cần có nguồn lực lớn và thời gian kéo dài. Trong quá trình lập đồ án quy hoạch phân khu, thành phố sẽ ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị, hạn chế tối đa việc bê tông hóa nếu không thật sự cần thiết.
Hà Trang
Bình luận