Hotline: 0941068156
Thứ năm, 26/12/2024 18:12
Thứ sáu, 06/12/2024 19:12
TMO - Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2024, toàn bộ các phường, xã trên địa bàn đã triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Kết quả cho thấy gần 97% tổ dân phố, 93% hộ gia đình và 92% cơ sở sản xuất, kinh doanh cùng các cơ quan, tổ chức đã thực hiện nghiêm túc hoạt động này.
Tỷ lệ chất thải được tái chế và tái sử dụng tại nguồn dao động từ 15-20%, giúp giảm đáng kể khối lượng rác thải cần chôn lấp.
Để nâng cao hiệu quả xử lý rác, thành phố đã đưa vào vận hành 2/4 trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt ứng dụng công nghệ hiện đại. Các trạm này giúp cải thiện đáng kể quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm và tạo mỹ quan đô thị sạch đẹp.
Một điểm phân loại rác thải rắn tại phường Thạch Thang (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ảnh: CTT Đà Nẵng.
Mỗi ngày, Đà Nẵng xử lý khoảng 1.180 tấn rác thải, và dự báo đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 2.076 tấn/ngày. Để đáp ứng nhu cầu xử lý, thành phố đang triển khai 2 dự án nhà máy xử lý rác với công nghệ hiện đại. Nhà máy đầu tiên có công suất 650 tấn/ngày, dự kiến vận hành vào quý III, năm 2026, sau khi hoàn tất các thủ tục như cấp phép đầu tư và thiết kế cơ sở. Nhà máy thứ hai, công suất 1.000 tấn/ngày, được triển khai theo hình thức hợp tác công-tư (PPP) và đang được rà soát các yếu tố pháp lý để sớm khởi công.
Ngoài đầu tư hạ tầng, Đà Nẵng còn tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng. Các tổ chức như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên,… đóng vai trò quan trọng trong việc vận động người dân tham gia phân loại rác. Những mô hình sáng tạo như “Đổi rác lấy quà” hay các phong trào “Chống rác thải nhựa” đã tạo động lực cho người dân tham gia bảo vệ môi trường, nâng cao tỷ lệ tái chế rác thải nhựa.
Nam Trân
Bình luận