Hotline: 0941068156
Thứ hai, 16/09/2024 09:09
Thứ tư, 15/05/2024 08:05
TMO - Sau 3 năm triển khai Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Chính phủ, đến nay thành phố Đà Nẵng đã trồng hơn 1 triệu cây xanh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Đà Nẵng cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025", việc tổ chức trồng cây, trồng rừng thường xuyên được Thành phố quan tâm thực hiện. Công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức, phù hợp từng cơ quan, đơn vị, địa phương, do vậy lan tỏa sâu rộng đến toàn thể nhân dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với phát triển bền vững về rừng và môi trường rừng.
Sau 3 năm thực hiện Đề án trên, các sở, ban, ngành và địa phương đã tích cực tổ chức tuyên truyền, hưởng ứng lễ phát động Tết trồng cây và thực hiện trồng cây, trồng rừng với số lượng hơn 1,024 triệu cây xanh, đạt 35,52% so với kế hoạch 3 năm (gần 2,884 triệu cây). Cụ thể, 121.570 cây xanh phân tán; trồng mới 902.741 cây xanh tập trung, tương đương với gần 561,8ha. Tổng nguồn lực thực hiện đề án trong 3 năm hơn 35,34 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn ngân sách Nhà nước hơn 20,83 tỷ đồng; nguồn vốn xã hội hóa gần 14,51 tỷ đồng.
Một số địa phương trồng cây xanh đạt kết quả cao, như huyện Hòa Vang trồng 214.158 cây, quận Cẩm Lệ trồng 8.606 cây, quận Sơn Trà trồng 5.728 cây...Nhiều sở, ngành đã tích cực hưởng ứng thực hiện phong trào trồng cây xanh: Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức nhiều đợt với hơn 248.600 cây, Sư đoàn 372 tổ chức trồng cây trong khuôn viên doanh trại với 58.650 cây, Hội Nông dân trồng hơn 56.000 cây xanh.
Sau 3 năm triển khai Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Chính phủ, đến nay thành phố Đà Nẵng đã trồng hơn 1 triệu cây xanh (Ảnh minh họa).
Các loài cây trồng, đối với cây xanh phân tán dưới rừng phòng hộ, đặc dụng là loài cây bản địa, thường xanh, như giáng hương, chò đen, sao đen, lát hoa, gáo vàng…; đối với rừng sản xuất, chủ yếu trồng các loại cây mọc nhanh, sinh trưởng, phát triển tốt được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô hoặc bằng hóm (keo). Ngoài ra, hằng năm UBND TP. Đà Nẵng cũng chỉ đạo các đơn vị ra quân Tết trồng cây. Trong năm 2022, Thành phố trồng được hơn 451.000 cây; năm 2023, cấp phát hơn 238.329 cây xanh các loại; năm 2024, cấp phát hơn 176.135 cây xanh các loại.
Để hoàn thành mục tiêu của Đề án, các sở, ban, ngành và địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch trồng cây xanh, trồng rừng giai đoạn 2024 -2025 với tổng số lượng hơn 2,133 triệu cây; trong đó trồng tập trung hơn 1,263 triệu cây, tương ứng 960ha, trồng cây phân tán là 870.000 cây.
Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng cho biết: Thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, đến nay sau 3 năm triển khai, Thành phố mới đạt được 20,24% mục tiêu đề ra. Việc triển khai cũng gặp khó khăn do quỹ đất trồng mới ngày càng thu hẹp, diện tích đất trồng quy hoạch cho lâm nghiệp và diện tích trồng cây xanh phân tán cơ bản đã được trồng. Ngoài ra do thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, bão lũ nên ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây do bị chết bởi nắng hạn, gãy đổ do bão, lũ, nhưng chưa được khắc phục trồng dặm, bổ sung kịp thời…
Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu theo Đề án trên địa bàn thành phố là nhiệm vụ quan trọng; vừa bảo đảm số lượng, vừa phát huy hiệu quả công tác quản lý, phát triển rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố. UBND thành phố yêu cầu ngành nông nghiệp thành phố xây dựng các kế hoạch, phương án cụ thể, chi tiết để triển khai trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng các kế hoạch và triển khai sớm như vấn đề pháp lý trong việc giao đất rừng.
Đối với các dự án triển khai trồng rừng thay thế, khoanh vùng, đặc biệt là cắm mốc quy hoạch 3 loại rừng, sở cần có sự phối hợp, rà soát chặt chẽ với các đơn vị, địa phương để bảo đảm công tác quản lý. Ngành nông nghiệp thành phố cần đẩy nhanh tiến độ việc nghiên cứu, phân bổ việc trồng cây ven biển như cây dừa; thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan kêu gọi sự tham gia, hưởng ứng của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trong việc trồng cây ven biển, hướng đến thu hút người dân, du khách, tạo cảnh quan du lịch.
Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương cần nghiên cứu, triển khai và phát động Tết trồng cây thực chất, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn; tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm trồng, chăm sóc cây xanh tại khu vực; phối hợp triển khai hiệu quả trong vấn đề phát triển rừng, trồng cây xanh. Đồng thời, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác phòng chống cháy rừng, bảo đảm phương châm “4 tại chỗ”; chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa về đội ngũ nhân lực, phương tiện quản lý, bảo vệ rừng.
Công tác bảo vệ, phát triển rừng được thành phố chú trọng triển khai.
Cùng với việc triển khai Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025", TP.Đà Nẵng cũng đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố. Sau 3 năm triển khai (từ 2021-2023), diện tích trồng rừng sản xuất tập trung đạt hơn 4.038 ha (thấp hơn so với mục tiêu bình quân 1.800 ha/năm); diện tích trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đạt gần 423,2 ha.
Diện tích trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đạt 365,35 ha (thấp hơn mục tiêu bình quân 140 ha/năm); diện tích rừng tự nhiên được nuôi dưỡng, xúc tiến tái sinh hơn 346,8 ha, thấp hơn mục tiêu trung bình 400 ha/năm. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng là 422.120 m3 (cao hơn so với mục tiêu: 60.000 m3). Chất lượng rừng tự nhiên tăng, diện tích rừng giàu đạt gần 18.987 ha. Diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ FSC là 217,23 ha, đạt 1/5 chỉ tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025). Tỷ lệ che phủ rừng toàn thành phố năm 2021 là 47,17%, năm 2022 là 45,5%, năm 2023 là 44,77% (thấp hơn so với mức trung bình 47% đặt ra trong mục tiêu chiến lược).
Trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, giai đoạn 2021-2023, các đơn vị, địa phương đã tổ chức 1.883 đợt tuần tra bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, kiểm tra ngăn chặn hoạt động vận chuyển, kinh doanh, mua bán lâm sản, động vật hoang dã trái phép trên địa bàn thành phố; lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính 42 vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Các địa phương đã thành lập 19 tổ xung kích; 60 tổ quần chúng bảo vệ rừng tại các thôn, khu dân cư gần rừng, ven rừng với tổng số 834 thành viên tham gia. Ngoài ra còn có 586 hộ nhận khoán theo đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng của thành phố Đà Nẵng; hướng dẫn 26 đơn vị đóng quân trên địa bàn và 991 hộ gia đình, chủ rừng, hoạt động trong rừng, ven rừng ký cam kết chấp hành nội quy bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Với những kết quả đã đạt được, UBND TP.Đà Nẵng đề nghị ngành nông nghiệp xây dựng các kế hoạch, phương án cụ thể, chi tiết để triển khai trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng các kế hoạch và triển khai sớm các vấn đề pháp lý trong việc giao đất rừng. Đối với các dự án triển khai trồng rừng thay thế, khoanh vùng, đặc biệt là cắm mốc quy hoạch 3 loại rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có sự phối hợp, rà soát chặt chẽ với các đơn vị, địa phương để bảo đảm công tác quản lý. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, phân bổ việc trồng cây ven biển như cây dừa.
Đức Nam
Bình luận