Hotline: 0941068156
Thứ hai, 07/04/2025 02:04
Chủ nhật, 06/04/2025 05:04
TMO - Cao Bằng là một trong số những địa phương đẩy mạnh công tác xoá đói, giảm nghèo, bên cạnh đó tỉnh chú trọng hỗ trợ sinh kế cho người dân thông qua các hoạt động thiết thực, từng bước đạt được những hiệu quả tích cực, từ đó tạo sự ổn định cho cuộc sống Nhân dân.
Cao Bằng là tỉnh miền núi có địa hình chia cắt, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, do đó đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi các cấp ngành, địa phương cần có tinh thần quyết tâm, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1179 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác, tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh Cao Bằng đã vượt chỉ tiêu đề ra.
Công tác xoá đói, giảm nghèo của Cao Bằng có nhiều bước đột phá mạnh mẽ. Các cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư, từng bước hoàn thiện đã tạo nền tảng để tỉnh Cao Bằng tập trung hỗ trợ đồng bào Dân tộc thiểu số khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản xuất.
Trong năm 2024, tỉnh Cao Bằng đặt chỉ tiêu giảm trên 3% số hộ nghèo người Dân tộc thiểu số thì đến cuối năm ước đạt 4%. Năm 2024, trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 213 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, trong đó 10 dự án hỗ trợ theo chuỗi liên kết giá trị và 203 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, 18.774 hộ tham gia, với tổng kinh phí gần 138 tỷ đồng.
Tham gia mô hình ,các hộ được hỗ trợ về vốn, giống cây trồng, vật nuôi… Nhiều mô hình khuyến nông giảm nghèo đã tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện: Hòa An, Bảo Lâm, Trùng Khánh, Thạch An.
Ngoài việc được hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi, các hộ nghèo, cận nghèo tham gia các mô hình cũng được tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ, dạy nghề, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất. Các địa phương phát huy vai trò các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc liên kết phát triển sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị, mở rộng ngành nghề nông thôn gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, sản phẩm chủ lực.
Việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các địa phương đạt nhiều kết quả tích cực, giúp người nghèo được tiếp cận các điều kiện cần để phát triển kinh tế gia đình góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, ổn định xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở địa phương.
Giảm nghèo bền vững được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Cao Bằng. Các địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân sản xuất, tạo sinh kế để tăng thu nhập, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.
Đơn cử tại huyện Bảo Lâm, địa phương đã thực hiện 44 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng (30 dự án trồng trọt, 8 chăn nuôi, 12 dự án lâm nghiệp) với tổng kinh phí trên 22.840 triệu đồng với 2.505 hộ (1.404 hộ nghèo, 757 cận nghèo, 42 hộ mới thoát nghèo, 302 hộ dân tộc thiểu số) tham gia.
Tạo công ăn việc làm cho các đồng bào dân tộc thiểu số là cách xoá đói giảm nghèo hiệu quả. (Ảnh minh hoạ).
Riêng năm 2024, huyện hỗ trợ 211 con bò cái sinh sản, cấp 813.500 giống cây hồi, 208.526 cây quế, thực hiện 7 mô hình trồng cây giang lấy lá với 732 hộ tham gia mô hình. Những mô hình đều phù hợp với đặc thù của địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp cho các hộ tăng thu nhập, ổn định sinh kế, vươn lên thoát nghèo và lập thân lập nghiệp. Với mức hỗ trợ của Nhà nước 100% đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo là 80% và hộ mới thoát nghèo là 50% về con giống, vật nuôi đã tạo động lực, khơi dậy ý chí quyết tâm, trách nhiệm của người dân không trông chờ, ỷ lại vào chính sách giảm nghèo mà nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, việc người dân chủ động cải tạo khu vực chuồng trại cũng như chuẩn bị nguồn thức ăn... đáp ứng điều kiện hỗ trợ của dự án, thể hiện quyết tâm muốn thoát khỏi đói nghèo. Lãnh đạo UBND huyện Bảo Lâm cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bảo Lâm nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm từ 5% trở lên.
Trong những năm qua, với việc triển khai các dự án đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo, góp phần cùng huyện thực hiện đạt mục tiêu về giảm nghèo bình quân hằng năm.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng đã triển khai cho gần 7.000 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên vay vốn trên 400 tỷ đồng; trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ vốn tín dụng chính sách để cải tạo, sửa chữa và làm nhà mới, góp phần giúp nhiều gia đình có thêm nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát. Điều này đã giúp người dân được tiếp cận nguồn lực từ các chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống đạt mức tối thiểu và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.
Tính đến tháng 3/2025, tỉnh Cao Bằng còn gần 26.000 hộ nghèo, cận nghèo (chiếm 20,04%); tỷ lệ giảm nghèo ở các huyện nghèo chưa đạt yêu cầu đề ra; thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra làm tăng nguy cơ tái nghèo và phát sinh thêm hộ nghèo… Năm 2025, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4% trở lên (riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 5% trở lên), tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm ít nhất 4% với trên 5.150 hộ thoát nghèo vào cuối năm 2025.
Để giảm nghèo hiệu quả, UBND tỉnh Cao Bằng yêu cầu các cấp ngành triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững; trong đó, cần lồng ghép các nguồn vốn, nguồn lực địa phương, nguồn xã hội hóa, sự đóng góp của nhân dân để đầu tư mang tính tổng thể, toàn diện, lâu dài, hướng tới mục tiêu người dân có việc làm, tạo sinh kế ổn định cho Nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hương Mai
Bình luận