Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 24/05/2025 15:05
Thứ bảy, 24/05/2025 06:05
TMO - Huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) thời gian qua đã và đang triển khai nhiều mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Những cách làm sáng tạo, phù hợp thực tiễn đã góp phần nâng cao chất lượng sống và diện mạo vùng nông thôn.
Tháng 7/2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 588/QĐ-TTg công nhận huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đạt chuẩn NTM năm 2023. Thời điểm này, huyện Châu Thành có 100% số xã (11/11 xã) đạt chuẩn NTM, trong đó có 3/11 xã (Tân Nhuận Đông, An Nhơn, Tân Bình) đạt chuẩn NTM nâng cao; có 100% số thị trấn trên địa bàn huyện (thị trấn Cái Tàu Hạ) đáp ứng đầy đủ mức độ đạt các tiêu chí đánh giá điều kiện xét công nhận phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.
Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã giúp diện mạo, đời sống người dân trên địa bàn huyện Châu Thành có nhiều thay đổi. Đặc biệt, nhiều mô hình hay bảo vệ môi trường, thu gom rác thải trong xây dựng NTM hướng tới NTM nâng cao xuất hiện, góp phần cải thiện đời sống, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp. Theo UBND huyện Châu Thành, mỗi ngày, trên địa bàn huyện phát sinh khoảng 56,2 tấn rác thải sinh hoạt.
Hiện tại, công tác thu gom và xử lý rác thải được huyện giao cho Công ty TNHH MTV Thiết kế và Xây dựng Hùng Vĩ thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Theo đó, xe thu gom rác đến trực tiếp các hộ gia đình tại các tuyến đường, cụm dân cư 12 xã, thị trấn để thu gom rác. Đối với các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, xe thu gom rác chưa thể tiếp cận, địa phương hướng dẫn bà con xử lý chất thải sinh hoạt tại chỗ.
Các biện pháp bao gồm phân loại rác, đào hố chôn lấp, hoặc ủ phân hữu cơ (sử dụng hình thức hố rác di động) ngay trong khuôn viên đất của gia đình, với tổng khối lượng ước tính khoảng 11,24 tấn/ngày. Ngoài ra, một lượng rác thải đáng kể khác với khoảng 29,22 tấn/ngày được người dân xử lý bằng phương pháp ủ phân hữu cơ. Đến nay, tất cả các xã và thị trấn trong huyện đã triển khai hướng dẫn người dân ký cam kết thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn; có khoảng 52% người dân thực hiện cam kết này.
Đáng chú ý, nhiều mô hình của Hội Liên hiệp Phụ nữ các địa phương trên địa bàn huyện cũng được hình thành và phát triển như: mô hình “Tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni-lon”, mô hình “Tổ phân loại xử lý rác”, Chi hội “5 không, 3 sạch”.
Nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Châu Thành đã sử dụng compost để ủ phân hữu cơ của gia đình. (Ảnh: MT).
Đồng thời đã ra mắt 45 Tổ biến rác thải nhựa thành tiền trên địa bàn 12/12 xã, thị trấn với 1.088 thành viên; trang bị hỗ trợ cho các hội viên tham gia mô hình 1.658 sọt đựng rác và 311 con heo đất. Qua tham gia các mô hình giúp hội viên phụ nữ trên địa bàn các xã, thị trấn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện vệ sinh môi trường tại địa bàn dân cư.
Đồng thời biết phân loại rác thải, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rác hữu cơ thành phân bón, phục vụ quá trình trồng trọt của gia đình, góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường, giảm bớt gánh nặng cho các bãi tập kết rác, bảo vệ môi trường sống sáng - xanh - sạch - đẹp... Huyện còn triển khai nhiều mô hình tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp đạt hiệu quả.
Cụ thể, năm 2020, huyện có mô hình sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ kết hợp chứng nhận VietGAP tại Tổ hợp tác bưởi da xanh, quy mô 10ha. Qua mô hình, nông dân nắm vững quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, đặc biệt chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình từ 8 - 10 triệu đồng/công. Năm 2023, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, huyện triển khai thực hiện mô hình ủ tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp, lục bình... bằng chế phẩm IMO để làm phân hữu cơ, làm thuốc trừ sâu và xử lý mùi hôi trong chăn nuôi.
Mô hình với quy mô 32 hộ, tại xã An Nhơn. Đến nay, mô hình bước đầu đạt được nhiều hiệu quả tích cực, vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, vừa đảm bảo công tác phân loại rác thải tại nguồn....
Với những hiệu quả ưu việt đó, Hội Nông dân các xã còn lại cũng đã tổ chức triển khai cho các hộ dân trên địa bàn và thực hiện ủ phân hữu cơ từ lục bình để bón cho cây trồng, góp phần giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt và bảo vệ môi trường. Thông qua việc ứng dụng các mô hình hiệu quả và đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ môi trường, huyện Châu Thành đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc thu gom rác thải sinh hoạt, xử lý rác thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước sạch, phòng ngừa các sự cố môi trường...
Công tác thu gom, phân loại chất thải sinh hoạt được Châu Thành đẩy mạnh thực hiện. (Ảnh: HS).
Nhờ tích cực triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, đến nay tỷ lệ chất rắn rắn sinh hoạt và chất rắn không nguy hại trên địa bàn huyện Châu Thành được thu gom và xử lý theo quy định đạt trên 98%; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất rắn tại nguồn ngày càng được nâng cao. Hầu hết các xã đã xây dựng mô hình phân loại rác thải hữu cơ để xử lý thành phân hữu cơ tại hộ gia đình, phụ sản phẩm nông nghiệp được sử dụng làm công thức ăn chăn nuôi và sử dụng nấm vi sinh xử lý tại nguồn để làm phân bón cho cây trồng.
Đẩy mạnh công tác bảo đảm vệ sinh môi trường trong xây dựng NTM được các xã trên địa bàn huyện Châu Thành chú trọng thực hiện. Ngay từ đầu năm 2025, các xã đã xây dựng kế hoạch, phát triển khai nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện đối với từng nhóm tiêu chí, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao môi trường tiêu chuẩn chất lượng môi trường…
Không chỉ huyện Châu Thành, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện nay cũng xác định tiêu chí môi trường là tiêu chí trọng tâm trong hành trình xây dựng NTM, hướng tới NTM nâng cao, kiểu mẫu. Theo Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2025, trong năm nay 100% các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện và phấn đấu 100% hộ gia đình được tập huấn và triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Cụ thể, tại Quyết định số 257/QĐ-UBND-HC ngày 19/3/2025 của UBND tỉnh Đồng tháp về Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2025, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh đạt 75%. Trong đó, đối với các huyện đạt chuẩn bảo vệ môi trường NTM nâng cao, tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt đạt 80% trở lên; huyện NTM, tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt đạt 70% và các xã đạt chuẩn bảo vệ môi trường NTM nâng cao, tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt đạt 70% trở lên.
Cùng với đó, 100% trụ sở cơ quan, đơn vị (trường học, cơ sở y tế,…) thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt; 100% mô hình chợ quê, các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt, không sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.
Bên cạnh đó, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh còn nêu cụ thể về lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt, phương án thu gom và mô hình thu gom, vận chuyển, tập kết và xử lý chất thải sinh hoạt.
Việc triển khai hiệu quả các mô hình thiết thực bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Châu Thành nói riêng và toàn tỉnh Đồng Tháp nói chung góp phần quan trọng trong xây dựng cảnh quan nông thôn xanh, sạch, khiến các vùng quê trở thành nơi trong lành, đáng sống.
Minh Nga
Bình luận