Hotline: 0941068156
Thứ ba, 01/04/2025 19:04
Chủ nhật, 30/03/2025 06:03
TMO - Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) có nhiều hệ sinh thái quan trọng, hình thành nên hành lang đa dạng sinh học nối liền từ rừng xuống biển, biển - vùng bờ. Các mô hình bảo tồn, bảo vệ môi trường tại khu vực này có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hệ sinh thái tự nhiên.
Vào đầu tháng 3/2025, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm, thuộc phân hạng Khu Dự trữ Thiên nhiên. Khu bảo tồn được xây dựng trên nền tảng kế thừa Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm trước đây, đồng thời mở rộng phạm vi bảo vệ bằng cách bổ sung hệ sinh thái rừng tự nhiên trên các đảo.
Điều này góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm có tổng diện tích 23.530 ha, gồm ba phân khu chức năng: Bảo vệ nghiêm ngặt, Phục hồi sinh thái và Dịch vụ - Hành chính, cùng vùng đệm. Hệ thống bảy đảo gồm Hòn Lao, Hòn Cụ, Hòn Khô, Hòn Lá, Hòn Dài, Hòn Mồ và Hòn Tai, trong đó Hòn Lao lớn nhất (1.147 ha) là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư xã đảo Tân Hiệp.
Các kết quả nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy Cù Lao Chàm có trên 1.035 loài động, thực vật sinh sống và 1.309 loài sinh vật biển. Trong đó, rất nhiều loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo tồn ở Việt Nam và trên thế giới.
Về động vật rừng, Cù Lao Chàm có 15 loài thú, gồm 2 loài thú lớn là khỉ vàng, tê tê Java và 13 loài thú nhỏ. Trong đó, tê tê Java là loài nguy cấp trong Sách Đỏ thế giới. Tổng số loài chim được ghi nhận trực tiếp tại Cù Lao Chàm là 33, thuộc 9 bộ, 20 họ.
Về hệ thực vật rừng, kết quả nghiên cứu gần đây đã ghi nhận Cù Lao Chàm có tổng số 624 loài thực vật có mạch, thuộc 418 chi, 130 họ, 50 bộ và 6 ngành (gồm 365 loài có giá trị làm thuốc/624 loài đã ghi nhận). Trong đó, 52 loài thực vật thuộc dạng quý hiếm, được ưu tiên bảo tồn. Động thực vật biển có hàng trăm loài, bao gồm 47 loài nguy cấp, quý hiếm có trong Sách Đỏ thế giới và 16 loài trong Sách Đỏ Việt Nam.
Cù Lao Chàm có hệ sinh thái động/thực vật đa dạng, phong phú.
Nhằm tăng cường công tác bảo tồn tự nhiên, thời gian qua, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm (TP.Hội An) đã triển khai thường xuyên các hoạt động bảo vệ môi trường biển đảo và bảo tồn đa dạng sinh học. Trong đó, nhiều chương trình hành động cụ thể được thực hiện như duy trì cuộc vận động nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần và mô hình trung tâm phục hồi tài nguyên MRF tại thôn Bãi Hương và Bãi Ông; tổ chức thu gom rác thải nhựa. Đáng chú ý, trong hai năm 2023-2024, thực hiện chương trình “Đẩy mạnh công tác giảm thiểu rác thải nhựa tại Cù Lao Chàm”, Ban quản lý đã tiến hành xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá thực hành không rác thải tại trường học.
Đồng thời lắp đặt 2 mô hình thu gom rác tái chế và 4 panô truyền thông về phân loại rác; thực hành 4T (từ chối, tiết giảm, tái chế, tái sử dụng) trong trường học và vòng đời của rác tại trường TH-THCS Quang Trung; xây dựng 3 sản phẩm video về truyền thông bảo vệ môi trường. Đối với việc phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, đến nay, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm đã triển khai cấy phục hồi hơn 3.000 tập đoàn san hô, các loài san hô được lựa chọn là san hô dạng cành, dạng phiến và dạng bàn, trong đó san hô dạng cành là phổ biến nhất.
Bên cạnh đó, tổ chức thu gom rác thải nhựa trên các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, bãi biển theo định kỳ 2 lần/1 năm tại 6 bãi biển và khu vực rạn san hô tại Cù Lao Chàm. Ngoài ra, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm còn phối hợp khảo sát, điều tra thực trạng khỉ vàng tại Cù Lao Chàm, từ đó đề xuất một số biện pháp nhằm hạn chế sự xung đột giữa khỉ vàng và con người, đồng thời hướng đến công tác quản lý và bảo tồn loài khỉ vàng
Ban quản lý còn xây dựng phương án và quy chế quản lý, khai thác bền vững tài nguyên cua đá tại Cù Lao Chàm. Bên cạnh đó, để bảo vệ môi trường, Ban quản lý còn kêu gọi, vận động người dân, du khách mang rác về đất liền mỗi khi rời đảo.
Cuộc vận động “Du khách và ngư dân mang rác thải về đất liền” đã được đưa vào kế hoạch hành động của Thành phố Hội An năm 2025. Điều đó có nghĩa là du khách nên có ý thức giữ gìn các đảo du lịch sinh thái “sạch” và chỉ khuyến khích những cách cư xử thân thiện với môi trường.
Trước đó, vào năm 2009, Cù Lao Chàm thực hiện cuộc vận động toàn dân nói không với túi ni lông. Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm và cộng đồng địa phương đã xây dựng một loạt các chương trình bao gồm sử dụng túi giấy, nói không với nhựa dùng một lần, hướng tới mục tiêu tái chế và tái sử dụng các bao bì thân thiện với môi trường càng nhiều càng tốt.
Các mô hình bảo vệ môi trường, kêu gọi du khách mang rác thải về bờ tại Cù Lao Chàm đã phát huy hiệu quả. (Ảnh: BQN).
Với các hệ sinh thái đặc trưng có giá trị đặc biệt từ rừng xuống biển, từ biển vào vùng bờ, Cù Lao Chàm là nơi lưu giữ nhiều nguồn gen động, thực vật; cung cấp nguồn giống, nguồn lợi thủy hải sản cho vùng biển Quảng Nam và khu vực miền Trung.
Rừng tự nhiên trên các đảo tại Cù Lao Chàm có vai trò đặc biệt quan trọng đối với môi trường và đời sống người dân địa phương. Không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm và nước ngọt, rừng ở đây còn góp phần quan trọng trong việc bảo đảm môi trường sinh thái và an ninh - quốc phòng.
Bên cạnh những thuận lợi, công tác bảo vệ môi trường tại Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm vẫn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như hiện trạng rừng đặc dụng Cù Lao Chàm vẫn chưa có chủ thể quản lý chính thức; chưa xác định rõ ranh giữa các chủ thể giao quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập trong việc quản lý, bảo vệ môi trường tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội… Theo Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, những khó khăn trên đã ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái trên đảo, có nguy cơ phá vỡ liên kết sinh thái rừng - biển, làm suy giảm đa dạng sinh học tại Cù Lao Chàm.
Vì vậy, việc thành lập và tổ chức hoạt động Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm sẽ hiện thực hóa cơ chế quản lý tổng hợp hệ sinh thái rừng - biển và vùng bờ - vùng biển, giải quyết những bất cập trong thực tiễn quản lý.
Với việc áp dụng, triển khai các mô hình cộng đồng, đưa rác thải vào bờ, giảm thiểu rác thải nhựa… cùng chung tay tham gia quản lý bảo tồn biển, bảo tồn đa dạng sinh học, không chỉ mang lại sinh kế bền vững cho người dân mà còn góp phần quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường tự nhiên bền vững cho Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm.
Minh Tuấn
Bình luận