Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 18/07/2025 04:07
Thứ năm, 17/07/2025 10:07
TMO - Thời gian qua, chính quyền đặc khu Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) tăng cường giúp người dân trên đảo tiếp cận các nguồn vốn vay, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ giống cây trồng để các hộ dân cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Trong hai năm 2023-2024, chính quyền đặc khu Lý Sơn đã thực hiện mô hình hỗ trợ giống hành tím cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân bãi ngang gặp nhiều khó khăn. Mô hình được thực hiện trên diện tích gần 13ha với số lượng giống hành tím được cấp là 38.400 kg, cho 256 hộ gia đình. Trong đó, có 209 hộ thuộc hải đảo, khó khăn, 22 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo, 8 hộ thoát nghèo, 8 hộ thu nhập thấp, 3 hộ gia đình chính sách.
Tại thôn Tây An Hải, gia đình bà Lê Thị Hoan không ngừng cần mẫn lao động, kiên trì vượt nghèo khó, phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo. Cuối năm 2021, gia đình bà được cán bộ tín dụng chính sách hướng dẫn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội Lý Sơn để đầu tư cải tạo 1.500m2 đất nông nghiệp trồng hành, tỏi.
Với 50 triệu đồng vốn đầu tiên vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình bà Hoan đầu tư mua giống cây trồng, khoan giếng lấy nước tưới thâm canh đồng ruộng, nhờ vậy, kinh tế gia đình dần ổn định. Mỗi năm trồng 3 đợt hành tím, mỗi đợt đều để lại giống sau thu hoạch và dần mở rộng diện tích sản xuất nâng cao thu nhập, cuộc sống của gia đình giờ đây được cải thiện hơn nhiều.
Với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội nhiều hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập (Ảnh: BTT).
Còn với gia đình bà Mai Thị Nga, ở thôn Đông An Vĩnh, năm 2023, gia đình bà được vay 50 triệu đồng từ vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội để góp vốn đóng tàu thu mua hải sản trên biển gần bờ. Bà Nga cho biết: Hiện nay nguồn thủy sản dần cạn kiệt, nhiều tàu khai thác trên biển sẽ không cập bến bán cá do lo ngại phí hao tổn. Tàu cá của gia đình bà Nga sẽ thu mua cá cho các tàu trên biển đưa vào đất liền nhập cho thương lái. Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất ưu đãi đã tạo việc làm ổn định cho các lao động trong gia đình, tăng thu nhập, góp phần giúp ngư dân bám biển, bám ngư trường...
Cùng với hỗ trợ vốn vay, đặc khu Lý Sơn xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm là giải pháp quan trọng để giảm nghèo bền vững. Đặc khu Lý Sơn đã triển khai nhiều chương trình từ tổ chức lớp học nghiệp vụ đến đưa người dân đi trải nghiệm mô hình làm du lịch.
Trong đó, thực hiện Tiểu dự án 1 - dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, UBND đặc khu Lý Sơn phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người có thu nhập thấp trên địa bàn. Ngoài đào tạo lý thuyết, người dân còn được trực tiếp đi tham quan, học hỏi mô hình thực tế tại các địa phương có du lịch cộng đồng phát triển.
Là một trong những người tham gia dự án, bà Nguyễn Thị Thanh (đảo Bé) chia sẻ: Trước đây chủ yếu làm du lịch theo kiểu tự phát. Nhưng sau khi được địa phương tạo điều kiện tham gia các lớp đào tạo nghiệp vụ, kết hợp tham quan thực tế tại các mô hình du lịch cộng đồng ở Hà Giang, Hội An, Cù Lao Chàm…tôi mới thật sự thay đổi tư duy, làm du lịch bài bản để hướng đến bền vững.
Đặc khu Lý Sơn khai thác lợi thế tài nguyên, hướng dẫn người dân phát triển du lịch bền vững.
Theo thống kê, trên đảo Bé hiện có hơn 100 hộ dân sống chủ yếu bằng nghề biển và trồng hành, tỏi. Những năm trở lại đây, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển hướng sang làm dịch vụ du lịch, với sự đồng hành từ chính quyền địa phương. Theo thống kê UBND đặc khu Lý Sơn, đặc khu Lý Sơn hiện có hơn 8.800 người trong độ tuổi lao động, nhưng phần lớn chưa có việc làm ổn định. Nhờ các chương trình hỗ trợ, đến cuối năm 2024, số hộ nghèo toàn đặc khu giảm còn 311 hộ (chiếm 5,02%), 250 hộ cận nghèo.
Đặc khu Lý Sơn đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu. Thời gian qua, Lý Sơn đã tổ chức nhiều chương trình hướng nghiệp cho học sinh, thanh niên, phối hợp tổ chức sàn giao dịch việc làm và ngày hội việc làm. Nhờ đó, người lao động có cơ hội tiếp cận doanh nghiệp, tìm kiếm công việc phù hợp. Bên cạnh phát triển ngành du lịch, Lý Sơn cũng tiếp tục đầu tư hạ tầng, phát triển các chuỗi giá trị nông sản đặc trưng, như hành, tỏi, sản vật biển theo hướng bền vững, giảm phụ thuộc thời tiết ứng dụng công nghệ vào sản xuất và bảo quản.../.
Lê Bảo
Bình luận