Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 20:11
Thứ tư, 08/02/2023 22:02
TMO - Hoạt động xuất khẩu năm 2023 được dự báo gặp khó khăn khi nhiều quốc gia đưa ra những quy định kiểm định chặt chẽ. Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu đòi hỏi doanh nghiệp bên cạnh việc khai thác thị trường truyền thống cần đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, tận dụng tối đa cơ hội thị trường từ các hiệp định thương mại dự do (FTA) thế hệ mới.
Xuất nhập khẩu năm 2022 lần đầu tiên đạt kim ngạch trên 730 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm trước, trong đó xuất khẩu gần 372 tỷ USD, duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với mức thặng dư 11,2 tỷ USD (cao gấp hơn 3,3 lần năm trước), góp phần tích cực vào cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác. Tuy nhiên, sau đà tăng trưởng ấn tượng của năm 2022, mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đang gặp nhiều trở ngại do các yếu tố không thuận về thị trường khi các nền kinh tế lớn đối mặt suy thoái.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 1/2023 tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3% so với tháng 12/2022. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6%, so với tháng 12/2022 và giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước. Đà giảm xuất khẩu trong tháng 1 thể hiện ở tất cả các nhóm hàng chủ lực, điện thoại giảm 18,6%, máy tính giảm 11,5%, máy móc thiết bị giảm 25,2%, dệt may giảm đến 30,7 %, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 29,8%... so với cùng kỳ năm trước.
Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đòi hỏi các doanh nghiệp cần mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng sản phẩm cung ứng
Hoạt động xuất khẩu năm 2023 được dự báo gặp khó khăn khi nhiều quốc gia đưa ra những quy định kiểm định nghiêm ngặt. Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, EU tiếp tục đưa ra biện pháp kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với rau thơm, trái cây, mỳ ăn liền... với hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường EU.
Theo đó, thanh long và mỳ ăn liền phải có chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam, chịu tần suất kiểm tra 20% tại cửa khẩu. Mặt hàng ớt và đậu bắp có tần suất kiểm tra dư chất bảo vệ thực vật trên mỗi lô hàng là 50% và phải có chứng thư kiểm soát thuốc trừ sâu của Việt Nam. Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/2/2023. Tương tự với thị trường Hoa Kỳ, lạm phát tăng cao, chi phí vận tải logistics còn lớn, các quy định trong vấn đề kiểm dịch, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn lao động… của chính quyền liên bang và bang phức tạp đã đặt ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này.
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023, nền kinh tế toàn cầu có thể còn ảm đạm hơn năm 2022, thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc… giảm sức mua. Để tăng kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp nên khai thác các thị trường mới, thị trường ngách…để có đơn hàng sản xuất. Ðể góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2023 ở mức 6,5% đã đề ra, ngành Công Thương phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư, Bộ Công thương kiến nghị các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội từ các FTA để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời mở rộng lĩnh vực ngành hàng xuất khẩu với các sản phẩm thực phẩm hữu cơ, thân thiện môi trường để phục vụ các thị trường ngách, giá trị gia tăng cao.
Tại thị trường Canada hiện một số mặt hàng Việt Nam như chè, cà phê và gia vị có thế mạnh tại đây. Riêng mặt hàng quế, các siêu thị lớn của Canada đã nhập khá nhiều quế Việt Nam với mức tăng 43,3%, nên Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm 50% thị phần tại Canada trong những năm tới. Ngoài ra, thị trường dệt may Canada cũng có nhiều dư địa khi tổng quy mô lên đến 5 - 6 tỷ USD/năm.
Nông sản xuất khẩu cần khai thác hiệu quả những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do tại các nước. Ảnh: HH
UAE là thị trường đặc thù, sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu nội địa. Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng lợi ích này để xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như nông thủy sản, túi xách, vali, gỗ và sản phẩm từ gỗ, giày dép và mặt hàng điện, dây cáp điện… bởi đây là những mặt hàng UAE có nhu cầu rất lớn. Mexico có nhiều tiềm năng để hàng Việt chinh phục thị trường này. Cụ thể, các mặt hàng tiềm năng để xuất khẩu sang thị trường Mexico là thủy sản và nông sản chế biến, cà phê, hàng tiêu dùng, hàng điện tử, linh kiện và phụ tùng ô tô.
Hệ thống 15 hiệp định thương mại đang thực thi là “bệ đỡ” đáng kể cho xuất khẩu, mở rộng thị trường, tận dụng ưu đãi. Theo đó, việc tận dụng hiệu quả các FTA sẽ góp phần đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ đề nghị mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký; tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép;... hay việc nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.
Nam Lê
Bình luận